Đức sẽ mất 220 tỷ Euro, tương đương 238 tỷ USD, sản lượng kinh tế trong 2 năm tới nếu xảy ra một cú sốc năng lượng như vậy – theo một báo cáo của 5 viện nghiên cứu kinh tế Đức được trang CNN Business trích dẫn.
Cũng theo báo cáo này, nếu bị Nga cắt khí đốt, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức chỉ tăng 1,9% trong năm nay và giảm 2,2% trong năm 2023. Trong khi đó, nếu dòng chảy khí đốt được duy trì, nền kinh tế lớn nhất khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) có thể đạt mức tăng trưởng 2,7% trong 2022.
Ông Stefan Kooths, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nói rằng nếu đột nhiên Nga dừng cung cấp khí đốt cho Đức, kinh tế Đức sẽ suy thoái sâu. Ông Kooths là một trong những tác giả của bản báo cáo nói trên.
Đến hiện tại, EU đã nhất trí cắt giảm dần để tiến tới dừng hoàn toàn việc nhập khẩu than từ Nga. Một nguồn thạo tin tiết lộ với CNN Business rằng khối này sẽ cấm than Nga từ tháng 8 năm nay. Sau 5 gói trừng phạt đã đưa ra đối với Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, châu Âu đang bàn về gói trừng phạt thứ 6. Một số quan chức EU cũng đã kêu gọi trừng phạt xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga, nhưng nhiều nước khác – trong đó có Đức – vẫn e dè với một lệnh cấm vận như vậy.
Nếu dừng nhập khí đốt từ Nga hoặc bị Nga cắt cung cấp khí đốt, nền kinh tế Đức sẽ đảo lộn, vì 46% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của nước này được đáp ứng bởi Nga – theo số liệu về năm 2020 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Khí đốt Nga là nguồn năng lượng chủ lực để sưởi ấm cho các hộ gia đình, làm đầu vào cho các nhà máy phát điện, và duy trì hoạt động của các nhà máy ở Đức.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, EU càng nhận thấy sự cấp thiết phải “cai” khí đốt Nga. Khối này đã lên một chiến lược nhằm cắt giảm 66% nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay và đến năm 2027 chấm dứt hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng nước này đang “hành động nhanh nhất có thể” để có thể từ bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, nhưng loại trừ khả năng chấm dứt sử dụng năng lượng Nga một cách đột ngột.
“Câu hỏi đặt ra là đến mức độ nào thì chúng ta có thể gây tổn thất cho Nga nhiều hơn gây tổn thất cho chính mình”, ông Lindner nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Die Zeit. “Nếu tôi có thể đi theo sự mách bảo của trái tim, thì có lẽ ngay lập tức sẽ có lệnh cấm vận đối với tất cả mọi thứ từ Nga. Nhưng làm vậy chưa chắc có thể khiến cỗ máy chiến tranh dừng lại ngay lập tức”.
Tháng trước, lạm phát ở Đức tăng lên mức cao nhất hơn 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái – theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức. Nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở Đức cao như vậy là giá dầu thô và khí đốt đã tăng khoảng 40% trong vòng 1 năm. Nếu nguồn cung khí đốt Nga gián đoạn, lạm phát ở Đức gần như chắc chắn sẽ lập thêm đỉnh mới.
Tuần trước, hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng Đức BDEW tuyên bố “đã sẵn sàng vạch ra một kế hoạch chi tiết” để nhanh chóng loại bỏ khí đốt Nga, nhưng đồng thời cũng kêu gọi các chính trị gia hành động thận trọng.
“Xét cho cùng, việc cắt khí đốt Nga chẳng khác gì chuyển đổi toàn bộ nền công nghiệp của nước Đức”, bà Marie-Luise Wolff, Chủ tịch BDEW, nói trong một tuyên bố.