Chính sách thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả, chất lượng toàn diện của Đảng và Nhà nước luôn nhất quán trong thời gian qua.
Thời gian tới, với những diễn biến mới trên thế giới buộc chúng ta phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp, thích ứng nhằm hỗ trợ thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhất là với những FDI công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
CẦN NGAY NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI VÀ BA LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM
Những năm qua, khu vực FDI đã chứng tỏ luôn là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Riêng trong 8 tháng năm 2023, chúng ta đã thu hút được 1.924 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.
Trong khi đó, các mục tiêu cụ thể đối với FDI mà chúng ta đề ra cho giai đoạn 2021 – 2025, vốn đăng ký khoảng 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm); vốn thực hiện khoảng 100 đến 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm ); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025.
Nhìn vào các số liệu trên, với tình hình thế giới luôn đầy nhiều biến động như hiện nay khiến việc thực hiện mục tiêu này rất khó khăn, nhất là việc thu hút đầu tư vào các dự án quy mô lớn thuộc ngành công nghệ cao.
Vì vậy, buộc chúng ta phải khẩn trương đưa ra những chính sách ưu đãi phù hợp, nhất là khi các nước sẽ áp dụng chính sách thuế mới, có thể tác động tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết việc xây dựng chính sách hỗ trợ lần này rất cấp thiết, vì nó không những bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư mà còn phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước. Đó là, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thực tế, các nước trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, những chính sách ưu đãi mới củaViệt Nam có thể tăng thêm hiệu quả nhờ ít nhất ba lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Thứ nhất, Việt Nam bước đầu đã tạo được lòng tin với dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao từ Intel, Samsung...
Thứ hai, Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện tiếp, đây là cơ hội để các FDI công nghệ cao của Mỹ vào Việt Nam.
Thứ ba, Mỹ đang quyết liệt thực hiện chiến lược "friend - shoring", nghĩa là đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, Việt Nam đang có lợi thế là một nước như vậy.
Việc tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam và các doanh nghiệp Mỹ liên tục đến thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam vừa qua đang chứng tỏ điều này.
YÊN LÒNG “ĐẠI BÀNG CÔNG NGHỆ” CŨ, HÚT THÊM “ĐẠI BÀNG CÔNG NGHỆ’ MỚI
Những năm gần đây, với sự có mặt của các tập đoàn công nghệ cao như: Samsung, LG, Canon, Intel… đã tạo ra những cú hích giúp kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Việc đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này là sợi chỉ đỏ trong chính sách ưu đãi của Việt Nam, để các tập đoàn này không những không muốn rời đi mà còn tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi thì việc chúng ta nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi khung pháp lý về thuế, ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế là rất đúng đắn và cấp thiết. Đây cũng chính là cách thể hiện sự hỗ trợ các doanh nghiệp này trước những khó khăn mới. Đồng thời, vẫn đảm bảo được các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Những chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý cho đầu tư công nghệ cao vừa thu hút thêm các “đại bàng công nghệ” mới, lại vừa yên lòng “đại bàng công nghệ” cũ, mở thêm các “cứ điểm” mới giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn trong kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng, hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; Đồng thời, giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam đều rất chú ý đến các giải pháp ứng xử điều này có đúng nhịp hay không. Họ đầu tư vào Việt Nam, một mặt là do sự ổn định của môi trường đầu tư, mặt khác là những cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.
Bàn về việc ra những chính sách ưu đãi, GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore, cho rằng Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả.
Ví dụ như: hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.
Cho nên việc Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao trong tình hình mới này là rất cần thiết và đúng nhịp.
Những chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý cho đầu tư công nghệ cao ra dịp này hy vọng vừa thu hút thêm các “đại bàng công nghệ” mới, lại vừa yên lòng “đại bàng công nghệ” cũ, mở thêm các “cứ điểm” mới giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn trong kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.