December 25, 2024 | 16:53 GMT+7

Dùng pháp nhân “ma” và tài khoản "rác" để chuyển trái phép ra nước ngoài hơn 3.900 tỷ đồng

Đỗ Mến -

Oanh đã chỉ đạo các bị cáo khác mua, thành lập, sử dụng 9 pháp nhân tại Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên; mở tài khoản tại các ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế; lập khống 2.013 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa với 1.739 công ty tại 41 quốc gia...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội đang thụ lý vụ án Vận chuyển trái phép tiền tệ với 6 bị cáo gồm Đào Thị Oanh (SN 1991, ở quận Nam Từ Liêm, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ ADIA, Công ty TNHH Hỗ trợ dịch vụ khu công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH East Global Việt và Công ty TNHH Tư vấn du học OD Việt Nam ), Mai Thị Thu Hà (SN 1999, ở quận 1, TPHCM, nhân viên Công ty JT& Partners)), Vũ Thùy Linh (SN 1998, ở quận 12, TPHCM, giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế Alpha);

Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1989, quận Đống Đa, Hà Nội, kế toán Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ADIA) và Nguyễn Hồng Anh (SN 1983, ở quận Ba Đình, Hà Nội, giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phương Diễm), Đoàn Văn Thức (SN 1991, ở quận Thanh Xuân).

VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HƠN 3.900 TỶ ĐỒNG RA NƯỚC NGOÀI

Theo cáo trạng, năm 2021, Oanh quen và cùng Nguyễn Thụy Hương Trầm (hiện đã xuất cảnh sang Mỹ) liên kết làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Trầm có nhiệm vụ tìm đối tác nước ngoài đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và khách hàng có nhu cầu chuyển tiền.

Còn Oanh tìm kiếm khách hàng; thành lập và cung cấp cho Trầm các công ty ở Việt Nam để đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và mở tài khoản ngân hàng. Oanh cũng dùng tài khoản các công ty để nhận tiền trong nước và chuyển tiền đến tài khoản các công ty ở nước ngoài.

Trước khi chuyển tiền, Trầm chuyển bảng kê số liệu lên nhóm zalo để Oanh biết, phân bổ vào từng tài khoản ngân hàng của các công ty. Mỗi công ty có thể có 1 hoặc nhiều đơn hàng. Mỗi đơn hàng là 1 hợp đồng nhập khẩu.

Cáo buộc thể hiện, từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022, Oanh đã chỉ đạo các bị cáo khác mua, thành lập, sử dụng 9 pháp nhân tại Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên; mở tài khoản tại các ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế; lập khống 2.013 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa với 1.739 công ty tại 41 quốc gia.

Oanh đã sử dụng các hợp đồng khống này để chuyển tiền điện tử qua tài khoản ngân hàng của 9 pháp nhân trên theo hình thức chuyển tiền T/T (chuyển tiền trước hợp đồng nhập khẩu).

Cáo buộc thể hiện, tổng số tiền đã chuyển vào tài khoản các đối tác nước ngoài là hơn 3.923 tỷ đồng. Khi thực hiện chuyển tiền thanh toán quốc tế, toàn bộ các chứng từ hải quan được các đối tượng xin nợ và cam kết hoàn trả thủ tục sau khi nhận nhập khẩu hàng.

Thực tế, bị cáo Oanh không làm thủ tục nhập khẩu, không có chứng từ nhập khẩu hàng hóa nộp cho các ngân hàng, không khai báo thuế. Đồng thời giải thể các công ty trên để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Trầm chia cho Oanh từ 15 đồng – 30 đồng/1 USD được chuyển ra nước ngoài theo tỷ giá từng thời điểm.

Nguồn tiền đầu vào của 9 công ty trên (F0) là từ 29 cá nhân và 8 công ty (F1) chuyển đến với số tiền hơn 3.429 tỷ đồng. Tra soát tiếp, nguồn tiền trên là từ 946 cá nhân và 9 công ty (F2) chuyển đến với số tiền 20.541 tỷ đồng.

8/9 pháp nhân trên đăng ký tài khoản tạo lệnh và duyệt lệnh chuyển tiền thanh toán quốc tế qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại hoặc máy tính sau đó chuyển lại cho Oanh để Oanh có toàn quyền sử dụng. Sau khi thành lập các công ty, Oanh ký giả chữ ký của những người đứng tên giám đốc.

Đơn cử như Công ty TNHH thương mại quốc tế Furu, Oanh nhờ bạn học là Đoàn Văn Thức đứng tên giám đốc còn Nguyễn Hồng Anh là kế toán trưởng. Công ty này thành lập vào 23/3/2022 và đến tháng 12/2022 thì giải thể ngay. Từ ngày 6/4/2022 đến 9/6/2022, Oanh giả chữ ký của giám đốc tại 394 hợp đồng khống để chuyển hơn 869 tỷ đồng.

Theo cơ quan tố tụng, trong tổng số tiền được chuyển vào tài khoản của 9 công ty trên có hơn 3.923 tỷ đồng được chuyển trái phép ra nước ngoài và hơn 96,9 tỷ đồng được chuyển ngược lại cho các công ty và cá nhân trong nước vì ngân hàng ngăn chặn hoặc khách hàng hủy ngang…

Cáo buộc cho thấy, các bị cáo chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài số tiền hơn 3.923 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, Oanh khai nhận sử dụng số tiền trên để trả lương cho các nhân viên.

Do Nguyễn Thụy Hương Trầm đã xuất cảnh sang Mỹ nên cơ quan điều tra đã tách hồ sơ vụ án liên quan để xác minh, làm rõ sau.

Trong vụ án này, Oanh được xác định là đối tượng cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác.

DÙNG TÀI KHOẢN "RÁC" ĐỂ CHUYỂN TIỀN

Theo cáo trạng, khoảng 90% nguồn tiền trong tổng số tiền hơn 3.923 tỷ đồng là do Trầm và nhân viên của Trầm thu gom qua quảng cáo trên website, facebook…

Thời gian đầu mới làm, Oanh chưa có khách, thỉnh thoảng có khách lẻ từ trung gian thuê chuyển tiền ra nước ngoài số lượng ít. Theo Oanh, tất cả khách hàng thuê Oanh, Trầm chuyển tiền ra nước ngoài là các đầu mối trung gian (đại lý thu gom). Các đại lý thu gom trực tiếp hoặc gián tiếp của khách hàng sau đó thuê Oanh, Trầm thực hiện.

Có 2 cách thức thu gom tiền. Cách thứ nhất, nếu là tiền chuyển khoản thì khách hàng chuyển tiền vào tài khoản "rác", sau đó chuyển tiếp đến các công ty trên để các công ty này làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.

Cách thứ hai, nếu là tiền mặt thì khách của Oanh thì Oanh nhận trực tiếp của khách hàng rồi nộp vào tài khoản các công ty trên. Còn phía Trầm thì Oanh không biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate