Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm qua (7/11), tại nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng tiền để hỗ trợ thanh khoản hệ thống.
Cụ thể, cơ quan này chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố (OMO) với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%/năm. Có 6.149,5 tỷ đồng trúng thầu và có 6.679,95 tỷ đồng đáo hạn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước duy trì không chào thầu tín phiếu mới trong phiên thứ 4 liên tiếp. Trái lại, có tới gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong cả phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 9.470 tỷ đồng.
Với lượng tiền mới được bơm vào hệ thống, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,08 - 0,24 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước. Hiện các kỳ hạn giao dịch đang dừng ở mức: qua đêm 6,07%; 1 tuần 6,91%; 2 tuần 7,27% và 1 tháng 7,76%.
Đáng chú ý, trong tuần trước, nhà điều hành tiền tệ cũng bơm ròng tổng cộng 74.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn ngắn hạn vẫn còn nên lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Điển hình ở kỳ hạn qua đêm (chiếm khoảng 90% tổng giao dịch) tăng 1,8 điểm phần trăm lên mức 6,35%. Và như đã nói, đến tận hôm qua khi được bơm thêm 9.470 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng VND mới chịu hạ nhiệt.
Với diễn biến bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lãi suất liên ngân hàng trong tuần này sẽ có xu hướng giảm là chủ yếu. Dù vậy, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ dao động quanh mặt bằng 5-7% từ nay tới cuối năm, khó có thể hạ nhiệt mạnh như thời điểm đầu năm.
Bởi lẽ, từ giữa tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tiếp đến đầu tháng 10 vừa qua, 4 ngân hàng thương mại tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được nới "room" tín dụng.
“Diễn biến này đã phần nào giúp cho tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10. Tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 10 ghi nhận ở mức 11,5% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cuối tháng 10 cao nhất kể từ năm 2018 cho tới nay. Ngoài ra, nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, sẽ vẫn còn khoảng 2,5% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại trong 2 tháng còn lại của năm 2022. Do đó nhu cầu vốn là khá lớn và phần nào áp lực đến thanh khoản hệ thống cũng như lãi suất liên ngân hàng”, nhóm nghiên cứu tại BVSC dự báo.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số thông điệp quan trọng liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và biến động trong tháng 10 chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý.
Trên thực tế, trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại gần đây, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận về điểm nghẽn thanh khoản của thị trường, và yêu cầu các ngân hàng thương mại nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định các ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định, nhằm giải đáp những lo ngại của thị trường trong thời gian qua.
Về định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh sử dụng công cụ tài khóa cũng được nhắc đến nhằm giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng.