Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản đề nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Theo thống kê, từ 31/8 đến hết 5/9, ngành đường sắt bán được 82.000 vé. Khách đặt mua vé tàu chủ yếu từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh ngày 31/8, 1/9 và về ngày 3-4/9, những ngày khác vé còn nhiều.
Để phục vụ cho hành khách đi lại dịp lễ, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội mở thêm 13 chuyến Hà Nội- Vinh, 4 chuyến Hà Nội- Hải Phòng, 6 chuyến Hà Nội – Đồng Hới, 6 chuyến Hà Nội- Lào Cai và ngược lại. Dự kiến, trung bình mỗi ngày công ty phục vụ khoảng 20.000 chỗ.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng sẽ tổ chức chạy thêm nhiều tàu du lịch chặng Sài Gòn - Nha Trang phục vụ nhu cầu hành khách đi lại tăng cao dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Ngoài các đôi tàu khách Thống nhất SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 (Sài Gòn - Hà Nội) chạy hàng ngày có dừng đỗ đón trả khách tại ga Nha Trang, còn có thêm đôi tàu Thống nhất SE11/SE12 chạy hàng ngày từ 30/8 đến 4/9/2022 và đôi tàu khách khu đoạn SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang) chạy thường xuyên...
Trong dịp vận tải cao điểm này, đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5-7% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội như Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, đoàn viên công đoàn…
Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và dịp khai giảng năm học mới 2022, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị các đơn vị cần tăng cường tổ chức phối hợp, kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ với vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường sắt tại các ga đường sắt trên địa bàn để phục vụ vận tải hành khách đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi địa bàn quản lý, đặc biệt là các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường sắt, quy tắc tham gia giao thông tại các đường ngang, các quy định trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hư hỏng tại các đường ngang; xây dựng vạch, gồ, gờ giảm tốc thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý tại các khu vực, vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt có nguy cơ xảy tai nạn cao.
Cùng đó là tăng cường công tác tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các điểm giao cắt, đặc biệt là các lối đi tự mở có nguy cơ mất an toàn cao chưa thể rào, đóng được; tạo bề mặt bằng phẳng, êm thuận cho các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; phát quang tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt; kết nối tín hiệu đường bộ, đường sắt tại các đường ngang giao cắt quốc lộ thuộc phạm vi quản lý.
“Chủ động phối hợp giữa các lực lượng thanh tra đường sắt, các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ trên địa bàn tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ và phòng chống ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt”, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị.
Để kịp thời tiếp nhận, xử lý và giải quyết các thông tin phản ánh về côngtác phục vụ vận tải đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt dịp nghỉ lễ 2/9, Cục Đường sắt Việt Nam công bố đường dây nóng: 0865367565...
Hoạt động vận tải trong tháng 8 đạt kết quả tích cực, trong đó, vận chuyển hành khách gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành đường sắt chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, vận chuyển trên 3 triệu khách, tăng mạnh mẽ 146,3% so với cùng kỳ; đồng thời, vận chuyển trên 3,9 triệu tấn hàng, tăng nhẹ 6,5% so với cùng kỳ.