August 13, 2024 | 10:14 GMT+7

ESG là chìa khóa thành công trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam

Ngọc Lan -

Có 5 lý do cho thấy việc triển khai chiến lược ESG là cần thiết để duy trì thành công trong kinh doanh của các công ty Việt Nam...

Ảnh: Delta West
Ảnh: Delta West

Theo cáo cáo mới đây của Delta West, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam đang đứng trước một thời điểm quan trọng khi thị trường toàn cầu ngày càng ưu tiên tính bền vững.

Sự chuyển dịch sang chủ nghĩa bảo hộ và các tiêu chuẩn bền vững nghiêm ngặt này đặt ra những thách thức đáng kể cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế chúng ta.

Trong đó, thực hiện ESG - một khuôn khổ bao gồm các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị cho hoạt động của công ty được xác định là chìa khoá thành công cho hoạt động kinh doanh của các công ty Việt Nam.

Báo cáo chỉ ra rằng trong khi các yếu tố Xã hội và Quản trị thường được các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu áp dụng nhiều hơn, thì những ngành giải quyết vấn đề bền vững và biến đổi khí hậu hiện nay đang trở thành xu hướng trong tương lai.

Có năm lý do cho thấy việc triển khai chiến lược ESG là cần thiết để duy trì thành công trong kinh doanh của các công ty Việt Nam.

Thứ nhất, phát triển để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và duy trì khả năng tiếp cận thị trường. 

Việt Nam, một nền kinh tế xuất khẩu, phụ thuộc rất nhiều vào Liên minh châu Âu (EU). Hiện EU chiếm 16% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và là khu vực nhập khẩu lớn thứ ba các sản phẩm của Việt Nam trên thế giới.

Trong số mười mặt hàng xuất khẩu hàng đầu năm 2023, một số lượng đáng kể chịu tác động của Thỏa thuận xanh của EU - một bộ sáng kiến ​​chính sách toàn diện nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050.

Ví dụ, Chính sách nghề cá chung, một phần của Thỏa thuận này, yêu cầu phải đại tu toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm một cách bền vững. Ngành thủy sản Việt Nam phải phát triển một hệ thống hoạt động nuôi trồng và sử dụng nước bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường để đáp ứng các quy định của EU; và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật.

Tương tự như vậy, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) yêu cầu các nhà xuất khẩu thép và sắt phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải carbon của EU hoặc phải đối mặt với giá carbon hoặc thuế CBAM. Để duy trì khả năng cạnh tranh, các công ty xuất khẩu của Việt Nam phải khẩn trương triển khai các chiến lược chuyển đổi bền vững. Việc chấp nhận những thay đổi này là điều cần thiết để đảm bảo tương lai của họ trên thị trường thúc đẩy tính bền vững.

Thứ hai, để nâng cao hình ảnh và uy tín thương hiệu. Các công ty áp dụng cam kết ESG nâng cao hình ảnh và danh tiếng của mình trước công chúng là điều rất quan trọng để thu hút và giữ chân khách hàng. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức và quan tâm đến những tác động về mặt đạo đức của các giao dịch mua hàng của họ.

Báo cáo đưa ra ví dụ điển về việc triển khai ESG tại Việt Nam, Vinamilk,  thương hiệu liên tiếp 6 năm liền nằm trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.

Những nỗ lực của Vinamilk trong việc đưa các tiêu chuẩn ESG vào hoạt động đã giúp điểm ESG của công ty cao hơn mức trung bình của ngành và mức trung bình của VN100.

Gần đây, Vinamilk, công ty sữa hàng đầu Việt Nam, đã được công nhận là một trong 5 công ty toàn cầu hàng đầu về phát triển bền vững, đạt Giá trị nhận thức về phát triển bền vững là 253 triệu đô la Mỹ. Vinamilk là công ty Đông Nam Á duy nhất góp mặt trong top 5 danh giá này.

Thứ ba, giảm chi phí đáng kể. Các sáng kiến ​​ESG cũng có thể giúp giảm đáng kể chi phí, đặc biệt là giảm thiểu chi phí hoạt động tăng cao, bao gồm cả chi phí liên quan đến nguyên liệu thô, nước và carbon.

Ví dụ, Thành Thành Công - Biên Hòa đã tiết kiệm được khoảng 73% chi phí nước từ các nhà cung cấp bên ngoài thông qua việc triển khai hệ thống Tháp giải nhiệt, làm mát nước từ 350°C đến 380°C để tuần hoàn.

"Nhìn chung, theo ước tính của chúng tôi thông thường khi phát triển các lộ trình khử cacbon cho các công ty sẽ có khoảng một phần ba đến một nửa số đòn bẩy cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0," báo cáo nhấn mạnh.

Thứ tư, thu hút và giữ chân nhân viên. Cam kết ESG mạnh mẽ sẽ tăng cường sức hấp dẫn của công ty với tư cách là nhà tuyển dụng, tạo ra lực lượng lao động gắn kết và có động lực hơn.

Tuy nhiên, những phát hiện từ Khảo sát về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 của PwC cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng trong số những người lao động trong khu vực, với 73% cảm thấy không được hỗ trợ trong những nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường của công ty.

Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các công ty không chỉ là áp dụng các chính sách ESG mà còn phải thực hiện chúng một cách hiệu quả và truyền đạt rõ ràng những nỗ lực của mình tới nhân viên.

Thứ năm, tăng niềm tin của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư ngày càng chú ý đến các yếu tố ESG, với gần 80% coi chúng là quan trọng trong các quyết định đầu tư và khoảng 50% sẵn sàng thoái vốn khỏi các công ty không hành động về các vấn đề ESG.

Do đó, các công ty phù hợp với kỳ vọng ESG sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư hơn và duy trì được sự tự tin của nhà đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate