February 05, 2025 | 14:06 GMT+7

EU muốn đàm phán sớm để tránh thuế quan Mỹ

Ngọc Trang -

Liên minh châu Âu (EU) muốn nhanh chóng đối thoại với Mỹ để tránh việc Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa của khối này, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh sẽ bảo vệ lợi ích của mình trong các cuộc đàm phán...

Ô tô do Đức sản xuất tại một trung tâm logistics ở Essen, Đức. Máy móc và thiết bị vận tải là các mặt hàng EU và Anh xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ - Ảnh: Getty Images
Ô tô do Đức sản xuất tại một trung tâm logistics ở Essen, Đức. Máy móc và thiết bị vận tải là các mặt hàng EU và Anh xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ - Ảnh: Getty Images

Phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng EU về thương mại ngày 4/2, ông Maros Sefcovic - Ủy viên phụ trách vấn đề thương mại và an ninh kinh tế EU - cho biết ông muốn “sớm tham gia” vào các cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại lập tức và hy vọng thông qua đối thoại sớm có thể tránh được những hành động có thể gây xáo trộn cho mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất hành tinh này”, ông Sefcovic nói, và cho biết đang chờ Washington chính thức phê chuẩn người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại.

Ông Maros Sefcovic - Ảnh: Getty Images
Ông Maros Sefcovic - Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo khối là hợp tác trong những lĩnh vực mà EU và Mỹ có lợi ích chung, như các chuỗi cung ứng quan trọng và công nghệ  mới nổi.

Trong một bài phát biểu tại Brussels đầu tuần này, bà nói rằng EU chuẩn bị tinh thần cho các cuộc đàm phán khó khăn để giải quyết những xung đột và đặt nền tảng cho một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi sẽ cởi mở và thực tế để đạt được điều đó. Nhưng chúng tôi cũng rõ ràng một điều rằng chúng tôi sẽ luôn bảo vệ lợi ích của mình – bất kể thời điểm và bằng cách thức nào”, bà von der Leyen phát biểu.

Theo một số quan chức EU, các cuộc tiếp xúc của khối này với chính quyền của ông Trump đến nay vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, những người được ông Trump chọn cho các vị trí trong nội các chưa thể đối thoại với đối tác quốc tế cho đến khi được chính thức bổ nhiệm. Bà von der Leyen và ông Trump chưa có liên hệ gì kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Cuộc họp bộ trưởng thương mại EU trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi thuế quan bổ sung 10% với hàng Trung Quốc của Mỹ có hiệu lực và Bắc Kinh lập tức có hành động đáp trả ngày 4/2. Canada và Mexico trước đó cũng đối mặt thuế quan 25% của Mỹ nhưng được tạm hoãn trong 30 ngày sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ.

Ông Trump thường xuyên phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với EU. Vào cuối tháng trước, ông nói muốn tăng thuế quan với hàng nhập khẩu từ EU bởi khối này “đối xử với Mỹ rất tệ” nhưng không nêu cụ thể thời điểm hay mức thuế quan dự kiến.

Theo ông Sefcovic, thâm hụt thương mại mà ông Trump đề cập là khoảng 50 tỷ euro (51,8 tỷ USD) nếu tính cả thương mại dịch vụ. Con số này tương đương khoảng 3% tổng kim ngạch thương mại EU-Mỹ 1,5 nghìn tỷ euro hằng năm. Mối quan hệ thương mại này đang tạo ra khoảng 4 triệu việc làm cho cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

“Chúng tôi tin rằng đối thoại và thảo luận mang tính xây dựng sẽ giúp giải quyết vấn đề”, ông nhấn mạnh, dù không thông tin chi tiết về việc sẽ đàm phán như thế nào.

Tuy nhiên, một số quan chức EU có quan điểm cứng rắn về quan hệ thương mại với Mỹ. Ông Xavier Bettel, người từng là Thủ tướng Luxembourg trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg, nhấn mạnh EU cần phải đoàn kết, mạnh mẽ và không nên bắt đầu đàm phán bằng sự nhượng bộ.

“Đây không phải cái chợ ở Marrakech (thành phố ở Ma-rốc). Chúng tôi lắng nghe, trao đổi và nêu quan điểm. Chúng tôi không đưa ra đề xuất”, ông Bettel nói.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Thương mại Ireland Peter Burke cũng nói rằng “không đáng” để đưa ra đề xuất ở thời điểm này.

Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Marc Ferracci hôm 2/2 kêu gọi EU có phản ứng "mạnh mẽ" với Tổng thống Mỹ.

"Rõ ràng chúng ta phải phản ứng", ông Ferracci phát biểu. "Chúng tôi đang chờ đợi các quyết định của chính quyền Mỹ về các vấn đề liên quan tới châu Âu. Để có hiệu quả, phản ứng sẽ phải tập trung vào các sản phẩm quan trọng với người đối thoại và quốc gia mà chúng ta đang đàm phán".

Theo ông, đó phải là những hành động đủ lớn để gây tác động tới các nền kinh tế Mỹ và đủ sức nặng trong các cuộc đàm phán. 

EU là nền kinh tế có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn thứ hai với Mỹ với 208 tỷ USD năm 2023, chỉ sau Trung Quốc với 279 tỷ USD. Nếu tính cả thương mại dịch vụ, con số thâm hụt thấp hơn đáng kể, chỉ khoảng 52 tỷ USD như đề cập ở trên.

Theo các nhà phân tích, nếu ông Trump áp thuế quan với hàng hóa EU, Đức sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi nước này có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ lớn nhất với 158 tỷ euro (163,9 tỷ USD) năm 2023. Hà Lan là nước nhập nhiều hàng Mỹ nhất với kim ngạch năm 2023 là 76 tỷ USD.

Xét về tỷ trọng của thị trường Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, Ireland là nước có tỷ trọng cao nhất với hơn 25%. Tỷ trọng này của Đức và Italy là khoảng 10%, trong khi tỷ trọng của các nước Đông Âu thấp hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate