Báo cáo của Ban Quản lý xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, Tập đoàn này đang triển khai nhiều dự án truyền tải điện để nhập khẩu điện về Việt Nam. Trong đó, điển hình như: dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) do EVN PMB1 triển khai đang trong giai đoạn nước rút và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2022. EVN PMB1 và các nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng mục tiêu này.
Trong khi đó, 3 dự án giao EVN PMB2 đang có nhiều vướng mắc. Cụ thể, dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối cụm Nhà máy Thủy điện NamKong 1, 2, 3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam còn vướng mắc về mặt bằng 3 móng trụ. Dự kiến, công trình hoàn thành thi công xây lắp và đóng điện vào tháng 12/2022.
Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây 220kV đấu nối cụm Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tư và gặp khó khăn về công tác xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Công tác giải phóng mặt bằng cũng chậm do một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường theo quy định. Dự án này dự kiến hoàn thành trong quý II/2023.
Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) đang được tập trung triển khai công tác thẩm tra, trình duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Dự kiến, hoàn thành đóng điện dự án vào tháng 10/2024.
Về phía Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, đơn vị này đảm nhận triển khai 14 dự án truyền tải để nhập khẩu điện. Trong đó, ngoài Trạm biến áp 220kV Bắc Quang (Hà Giang) đã hoàn thành, có một số công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2022 gồm: đường dây 220kV Lào Cai – Bảo Thắng (dự kiến hoàn thành trong tháng 9); đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm 220kV Bắc Quang (tháng 11); các dự án nâng khả năng tải đường dây 220kV Việt Trì - Vĩnh Yên - Sóc Sơn, Yên Bái - Việt Trì và Thái Nguyên - Bắc Giang (tháng 12).
Các dự án còn lại dự kiến hoàn thành đóng điện giai đoạn 2024-2026. Tuy nhiên, các dự án này đều đang vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện và yêu cầu lãnh đạo cao nhất của các đơn vị cần có mặt tại mỗi công trường, đốc thúc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ dự án.
Cùng với đó, thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cũng như bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong quá trình làm việc với các tỉnh/thành phố, nếu có vướng mắc cần báo cáo kịp thời để lãnh đạo EVN tháo gỡ.