Ẩm thực không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là công cụ hữu hiệu để thu hút du khách và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Nổi tiếng với những món ăn đường phố độc đáo, Thái Lan và Hàn Quốc đã tận dụng cơ hội này để quảng bá thương hiệu quốc gia, thu hút đông đảo du khách tới khám phá giúp tạo ra việc làm và gia tăng doanh thu về du lịch.
Năm 2024, Thái Lan đón 35,54 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26,27% so với năm 2023, mang về 1,67 nghìn tỷ baht (49 tỷ USD). Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, mỗi du khách chi tiêu trung bình 45.300 baht (1.300 USD), trong đó 20% dành cho ẩm thực.
Để biến Thái Lan thành điểm đến lý tưởng cho tín đồ ẩm thực, Chính phủ nước này đã triển khai các chiến lược sáng tạo như tổ chức các tour du lịch ẩm thực, các lễ hội và cuộc thi ẩm thực. Những sự kiện như lễ hội ẩm thực Thái Lan, lễ hội hương vị tuyệt vời của Thái Lan và đặc biệt là Giải vô địch Pad Krapao giúp quảng bá món ăn truyền thống và dự kiến sẽ nâng chi tiêu ẩm thực của du khách từ 20% năm 2024 lên 25% vào năm 2027.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã biến ẩm thực (K-food) thành công cụ quảng bá văn hóa và du lịch hiệu quả. Năm 2024, nước này đón 16,37 triệu lượt khách quốc tế, tạo doanh thu 9,26 nghìn tỷ won (8,6 tỷ USD), tăng 33,8% so với 2023. Ẩm thực chiếm 17% chi tiêu. Theo VisaNet, thị trường du lịch ẩm thực nước này dự kiến đạt 548,4 triệu USD vào 2030, tăng trưởng 19,4%/năm.
Hàn Quốc đã triển khai nhiều chiến lược sáng tạo để quảng bá K-food, biến ẩm thực thành công cụ ngoại giao văn hóa và du lịch. Chính phủ nước này đã tài trợ các chương trình truyền hình giới thiệu ẩm thực đường phố và truyền thống, khuyến khích tổ chức các lễ hội ẩm thực và tour du lịch ẩm thực. Các điểm đến như Sân bay Yangyang và Jeju được quảng bá với chính sách miễn thị thực, khuyến khích du khách trải nghiệm ẩm thực địa phương.
Tại Việt Nam, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, việc khai thác ẩm thực trong du lịch không nên dừng lại ở việc giới thiệu món ăn, mà cần tạo nên những hành trình khám phá trọn vẹn – nơi du khách được tận tay chế biến, tìm hiểu nguyên liệu, gặp gỡ nghệ nhân nấu ăn và thưởng thức trong không gian đậm chất bản địa. Những tour du lịch ẩm thực như vậy không chỉ giúp du khách có trải nghiệm sâu sắc mà còn góp phần bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực du lịch ẩm thực, báo cáo của American Express cho hay, food tour là xu hướng đang phát triển, với khoảng 81% khách du lịch mong muốn được thưởng thức món ăn địa phương, trong đó có đến 37% du khách tìm kiếm và lên kế hoạch cho toàn bộ hành trình của họ để trải nghiệm tối đa các địa điểm ăn uống nổi tiếng tại địa phương.

Năm 2022, mục tiêu hướng đến của du lịch Hải Phòng sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19 là khai thác thị trường khách du lịch nội địa với khoảng cách gần và chi phí hợp lý, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi. Vì thế, Sở Du lịch Hải Phòng giới thiệu food tour Hải Phòng như một sản phẩm chiến lược phù hợp.
Ngay lập tức, food tour Hải Phòng trở thành trào lưu bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội, sản phẩm yêu thích của du khách, nhất là các bạn trẻ. Hải Phòng là địa phương tiên phong trên cả nước cho ra mắt bản đồ món ngon mang tên "Hải Phòng - lòng vòng ẩm thực". Bản đồ được thiết kế hiện đại, mỗi nhóm món ăn được xếp theo chủ đề: Quà sáng, món ăn trưa, món ăn cho bữa xế, quà mang về nhà… Đi kèm với đó là các cửa hàng, địa chỉ, thời gian phục vụ giúp du khách dễ lựa chọn hàng quán theo khẩu vị, khu vực.
Từ cú hích đầy nội lực của food tour, Hải Phòng đang từng bước trở thành một trong những trung tâm thu hút luồng khách du lịch của khu vực duyên hải Đông Bắc nói chung và miền Bắc nói riêng. Kỳ nghỉ 30/4 vừa qua, thành phố Hải Phòng đón 380.000 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Các hàng quán, phố ẩm thực hay khu chợ nổi tiếng với các món đặc sản được giới thiệu trong chương trình "food tour Hải Phòng" luôn đông đúc du khách suốt những ngày lễ.

Để tận dụng tối đa “cú hích” này, từ ngày 10/5 tới đây, đoàn tàu “quý tộc" Hoa Phượng Đỏ sẽ đi vào hoạt động. Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tàu “Hoa Phượng Đỏ” được thiết kế với ba phân khúc phục vụ: toa VIP 34 chỗ, toa hạng nhất 56 chỗ và toa phổ thông 64 chỗ. Mỗi phân khúc đều được nâng cấp đồng bộ về chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất và tiện ích đi kèm.
Mức giá vé cho toa VIP là 250.000 đồng vào đầu tuần và 300.000 đồng vào cuối tuần. Toa hạng nhất với ghế có thể xoay 180 độ, giá vé lần lượt là 150.000 đồng và 180.000 đồng tùy theo thời điểm. Toa phổ thông, dù có mức giá phổ cập chỉ từ 105.000 đồng, vẫn được đầu tư kỹ lưỡng về tiện nghi, đảm bảo sự sạch sẽ, thoáng đãng và thân thiện với hành khách.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, cho biết khi đoàn tàu đi vào vận hành sẽ có nhiều nhà hàng tham gia vào chương trình kích cầu du lịch. Đây là cơ hội để du khách thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Hà Nội và Hải Phòng ngay trên tàu.
Du khách sử dụng vé tàu du lịch sẽ được giảm giá khi sử dụng dịch vụ ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi. Từ đó sẽ giúp cho các chương trình food tour có sức sống mới, tăng trải nghiệm cho du khách.
Tuần Văn hóa - Du lịch và Chương trình giới thiệu du lịch, ẩm thực, làng nghề Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nhân Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 tại thị trường châu Âu đang diễn ra từ ngày 3/5 đến 14/5/2025. Chương trình sẽ bao gồm các hoạt động như gặp gỡ doanh nghiệp (B2B); Giới thiệu du lịch Việt Nam (B2B); Tổ chức lễ hội Văn hóa - Du lịch với chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống; trình diễn ẩm thực cung đình Huế và gặp gỡ, làm việc với các đối tác tại Pháp, Ý và Thụy Sỹ.