Theo hãng tin Bloomberg, Azoty đã tạm dừng sản xuất các loại phân bón bao gồm phân nitrogen và caprolactam. Ngoài ra, công ty cũng cắt giảm sản lượng ammonia vì không đảm bảo được mức lợi nhuận cần thiết khi giá khí đốt không ngừng lập kỷ lục mới.
“Tình hình hiện nay trên thị trường khí đốt tự nhiên - nhân tố quyết định lợi nhuận trong sản xuất phân bón - là khác thường”, Azoty nhận định trong một tuyên bố vào hôm thứ Ba tuần này. Công ty không cho biết gián đoạn sản xuất sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng cổ phiếu Azoty đã có phiên giảm thứ 8 liên tiếp, với mức giảm có lúc lên tới 10% trong phiên ngày thứ Ba.
Azoty là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ nhì trong Liên minh châu Âu (EU). Công ty này cũng là một trong những nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở Ba Lan, sử dụng hơn 20 gigawatt giờ khí đốt mỗi năm.
Khí đốt là một nguyên liệu chính của sản xuất phân bón. Ngành công nghiệp phân bón vì thế đã hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Là một công ty quốc doanh, Azoty đã nỗ lực để tránh việc cắt giảm sản lượng phân bón trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu tăng gấp hơn 4 lần trong năm nay do nguồn cung khí đốt từ Nga ngày càng “teo” lại. Nhưng cuối cùng, Azoty đã không cầm cự được. Trước đó, một số công ty sản xuất phân bón khác ở châu Âu cũng đã phải ngừng sản xuất trong cuộc khủng hoảng này.
Tháng trước, một công ty hoá chất hàng đầu khác của Ba Lan là Yara International ASA tuyên bố cắt giảm sản lượng. Anwil SA, bộ phận hoá dầu của hãng lọc dầu lớn nhất Ba Lan PKN Orlen SA, cũng dừng sản xuất phân bón từ hôm thứ Hai tuần này.
Sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp đang giảm xuống vì giá phân bón tăng, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu. Theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), lượng phân bón hoá học được sử dụng trên thế giới có thể giảm tới 7% trong vụ gieo trồng tới, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
“Nếu nông dân châu Âu mua thêm phân bón từ thị trường quốc tế, thị trường nông nghiệp tại các nước ở tiểu sa mạc Sahara châu Phi, Nam Á và nhiều phần của Mỹ Latin sẽ trở nên mong manh hơn. Thị trường phân bón toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nữa”, một quan chức cấp cao của IFA nói với Bloomberg.
“Tôi thấy không công ty phân bón nào ở châu Âu có thể tiếp tục sản xuất ngoài những doanh nghiệp đã có sự phòng hộ (hedge) từ trước”, ông Chris Lawson - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường phân bón thuộc CRU - nhận định. “Chúng tôi dự báo giá ammonia sẽ tiếp tục tăng”.
Vấn đề càng thêm phần phức tạp vì châu Âu vốn nhập khẩu nhiều phân bón từ Nga. Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, nguồn cung phân bón từ Nga xuất khẩu sang châu Âu cũng suy giảm. Trái lại, nhập khẩu phân bón từ các quốc gia khác vào châu Âu đang tăng lên, làm suy giảm khả năng của các nước nghèo hơn trong việc tiếp cận với phân bón - một hàng hoá thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.
Tháng trước, một công ty hoá chất hàng đầu khác của Ba Lan là Yara International ASA tuyên bố cắt giảm sản lượng. Anwil SA, bộ phận hoá dầu của hãng lọc dầu lớn nhất Ba Lan PKN Orlen SA, cũng dừng sản xuất phân bón từ hôm thứ Hai tuần này.
“Tuyên bố của Azoty là rất tiêu cực nhưng không nằm ngoài dự báo, vì sản xuất phân bón ở mức giá khí đốt cao như thế này không mang lại lợi nhuận gì”, nhà phân tích Krzystof Koziel thuộc Bank Pekao SA nhận định. Ông Koziel cho rằng thị trường đang chờ xem liệu Chính phủ Ba Lan có hỗ trợ Azoty nối lại sản xuất phân bón, và chờ những dấu hiệu về sự tăng giá trở lại trên thị trường ngũ cốc - nhân tố có thể thúc giá phân bón lên cao hơn.
Azoty cho biết mình là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ nhì trong Liên minh châu Âu (EU). Công ty này cũng là một trong những nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở Ba Lan, sử dụng hơn 20 gigawatt giờ khí đốt mỗi năm.
Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk nói rằng Azoty có đủ lượng phân bón dự trữ để cung cấp cho vụ gieo trồng mùa thu. Ông bày tỏ hy vọng thị trường sẽ bình ổn vì Ba Lan “cần phải nghĩ đến vụ gieo trồng mùa xuân nữa”.
Phân bón không phải là ngành công nghiệp duy nhất đang chịu ảnh hưởng từ sự leo thang của giá khí đốt. Theo hãng tin Reuters, gần 50% số nhà luyện nhôm và kẽm ở châu Âu đã phải đóng cửa, trong đó “nạn nhân” mới nhất là công ty Slovalco ở Slovakia.