August 23, 2022 | 12:07 GMT+7

Sau 4 tháng bị Nga “khoá van”, Bulgaria “quay xe” muốn đàm phán để mua khí đốt trở lại

An Huy -

Quốc gia vùng Balkan này bị hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cắt khí đốt vào tháng 4 vì không đồng ý thanh toán bằng đồng Rúp như yêu cầu mà Moscow đưa ra...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Bulgaria cho biết việc đàm phán để nối lại việc mua khí đốt Nga là tất yếu, sau khi quốc gia vùng Balkan này bị hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom “khoá van” vào tháng 4 vì không đồng ý thanh toán bằng đồng Rúp như yêu cầu mà Moscow đưa ra.

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Bulgaria cam kết tìm đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông đang đến gần, trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu liên tục lập kỷ lục mới vì nguồn cung khí đốt Nga ngày càng thắt lại.

Ông Rossen Hristov, Bộ trưởng lâm thời Bộ Năng lượng Bulgaria - người đưa ra tuyên bố trên - không nói cụ thể khi nào việc đàm phán mua lại khí đốt Nga sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, ông Hristov nói rằng cần phải đảm bảo nguồn cung khí đốt với giá cả phải chăng cho đất nước.

“Xét tới nhu cầu của doanh nghiệp và các hiệp hội ngành, trên thực tế, việc đàm phán với Gazprom để nối lại cung cấp khí đốt là tất yếu”, ông Hristov nói với các nhà báo.

Bulgaria - một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) - đã được đáp ứng hơn 90% nhu cầu khí đốt bằng nguồn cung cấp từ Nga cho tới tháng 4 năm nay. Vào tháng 4, Gazprom bắt đầu cắt cung cấp khí đốt đối với Bulgaria vì Chính phủ tiền nhiệm của nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp.

 

Đại sứ Nga tại Bulgaria nói rằng việc Nga cung cấp khí đốt cho Bulgaria có thể được nối lại nếu Sofia có thiện chí chính trị, đồng thời không quên nhắc rằng việc thanh toán tiền mua khí đốt phải được tiến hành bằng đồng Rúp.

Hợp đồng khí đốt dài hạn giữa Bulgaria với Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Ông Hristov, một thành viên trong Chính phủ mới của Bulgaria, cáo buộc Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Kiril Petkov phá hỏng mối quan hệ với Nga sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Chính phủ của ông Petkov - một nhà cải cách - đã sụp đổ vào tháng 6 năm nay, chỉ 6 tháng sau khi lên cầm quyền.

Ông Hristov nói rằng ông không kỳ vọng việc đàm phán nối lại mua khí đốt với Gazprom sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. “Tình hình của chúng tôi liên quan đến Gazprom không hề sáng sủa chút nào… Chúng tôi rõ ràng sẽ phải quay lại với họ ngay bây giờ. Đàm phán sẽ rất khó khăn”, ông nói với các nhà báo.

Sau khi Chính phủ lâm thời của Bulgaria lên cầm quyền vào ngày 2/8, hàng trăm người dân nước này đã xuống đường biểu tình vì lo ngại Chính phủ sẽ nối lại việc mua khí đốt Nga, khiến nền kinh tế Bulgari một lần nữa lại bị chi phối bởi sức mạnh năng lượng Nga.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, đại sứ Nga tại Bulgaria nói rằng việc Nga cung cấp khí đốt cho Bulgaria có thể được nối lại nếu Sofia có thiện chí chính trị, đồng thời không quên nhắc rằng việc thanh toán tiền mua khí đốt phải được tiến hành bằng đồng Rúp.

Hiện tại, Bulgaria - nước cần khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm - đang mua 1 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Azerbaijan và mua số còn lại trên thị trường mở. Tháng 8 vừa qua, giá khí đốt bán buôn ở Bulgaria đã tăng khoảng 60%, lên mức 300 Leva (hơn 153 USD)/megawatt giờ.

Các tổ chức vận động hành lang của doanh nghiệp Bulgaria nói rằng giá khí đốt tăng cao đang gây tổn hại cho hoạt động của các doanh nghiệp và kêu gọi Chính phủ tìm cách nối lại việc nhập khẩu khí đốt Nga vì cách này sẽ giúp mang lại mức giá “mềm” hơn so với việc mua khí đốt trên thị trường mở.

Tuần này, Chính phủ lâm thời Bulgaria đã đàm phán với Azerbaijan để tăng mua khí đốt của nước này, đồng thời cũng thảo luận để mua thêm khí đốt từ các nhà giao dịch Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ mới cũng chỉ mua 1 lô khí đốt hoá lỏng (LNG) giao tháng 10 từ công ty Cheniere của Mỹ, và cho biết không thể mua được LNG với giá phải chăng như 6 lô LNG mà Chính phủ tiền nhiệm mua được.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate