July 18, 2025 | 18:00 GMT+7

Gần 136 tỷ đồng chi trả giảm phát thải khí nhà kính cho các chủ rừng tại Huế

Nguyễn Thuấn -

Hơn 600 chủ rừng là các tổ chức, cộng đồng nhóm hộ và chính quyền các xã tại thành phố Huế được chi trả số tiền trên, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng, giữ vững độ che phủ và thúc đẩy sinh kế bền vững dựa vào cộng đồng....

Rừng A Lưới trong sương sớm
Rừng A Lưới trong sương sớm

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Huế mới đây đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác thực hiện thí điểm Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) giai đoạn 2023–2025.

Đây là hoạt động đánh dấu kết quả bước đầu trong nỗ lực triển khai cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon, góp phần bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

GIẢM SÂU CÁC VỤ VI PHẠM RỪNG, GIỮ VỮNG ĐỘ CHE PHỦ 57,18%

Theo ông Nguyễn Tất Tùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Huế, toàn địa bàn hiện có hơn 205,5 nghìn ha rừng tự nhiên được đưa vào cơ chế chi trả ERPA. Trong giai đoạn 2023–2025, gần 136 tỷ đồng đã được điều phối để chi trả cho hơn 600 chủ rừng là tổ chức, cộng đồng nhóm hộ và chính quyền các xã.

Chỉ tính riêng hai năm đầu thực hiện (2023–2024), tỷ lệ chi trả đã đạt trên 99% tổng số tiền cho các đối tượng hưởng lợi. Thành phố Huế đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ chi trả hơn 95% nguồn kinh phí còn lại theo kế hoạch, bảo đảm hiệu quả và đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc quỹ bảo vệ phát triên rừng, phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc quỹ bảo vệ phát triên rừng, phát biểu tại hội nghị.

Song song đó, chương trình còn hỗ trợ sinh kế cho 97 cộng đồng với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, tập trung vào những hạng mục thiết thực như xây dựng hàng rào bảo vệ rừng, cổng chào thôn bản, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Cách tiếp cận mới này lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ rừng, đồng thời tạo động lực phát triển sinh kế bền vững.

Qua ba năm triển khai, thành phố Huế ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tổng diện tích rừng bị phá trong năm 2024 chỉ còn 2,68 ha với 25 vụ vi phạm, mức thấp nhất trong giai đoạn 2021–2024. Trong đó, rừng sản xuất chiếm phần lớn diện tích bị xâm hại (hơn 2,6 ha), rừng phòng hộ bị ảnh hưởng rất ít (khoảng 0,06 ha), còn rừng đặc dụng không xảy ra thiệt hại nào.

Kết quả này phản ánh hiệu quả của các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và lợi ích của rừng. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được chi trả đã góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ rừng và duy trì tỷ lệ che phủ rừng của thành phố ở mức 57,18%.

Đáng chú ý, nguồn kinh phí từ ERPA đã giúp các tổ chức chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng; đồng thời có điều kiện thực hiện các biện pháp lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng làm giàu rừng – từ đó góp phần nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học.

TẠO VIỆC LÀM VÀ SINH KẾ BỀN VỮNG

Theo báo cáo, mô hình chi trả ERPA đã đem lại lợi ích thực chất cho cộng đồng, đặc biệt là các nhóm hộ dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân số tại vùng rừng. Phương thức “lấy cộng đồng người dân làm trung tâm” không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý rừng, mà còn tạo thêm nguồn tài chính để phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Ông Hồ Đức Kiệu, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 3, xã Nam Đông (trước đây là xã Thượng Nhật, Phú Lộc), cho biết nhờ nguồn chi trả ERPA, cộng đồng đã có thêm điều kiện quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, nhiều diện tích rừng nghèo được phục hồi, cải thiện đáng kể chức năng phòng hộ và cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Ngoài ra, người dân trong cộng đồng còn được vay vốn phát triển chăn nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định. Các mô hình sinh kế dưới tán rừng đang phát huy hiệu quả, giúp cải thiện đời sống người dân một cách bền vững.

Tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã kiến nghị nâng mức hỗ trợ sinh kế từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho mỗi cộng đồng, nhằm thuận tiện cho việc triển khai các công trình phục vụ đời sống thiết thực của người dân tại thôn bản.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất cho phép chuyển tiếp phần nguồn kinh phí chưa giải ngân hết sau thời gian thí điểm vào nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị, thực hiện theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP và Nghị định 91/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Thành phố Huế là một trong 6 địa phương của vùng Bắc Trung Bộ được thí điểm Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Những kết quả đạt được cho thấy hiệu quả bước đầu rõ rệt, đồng thời mở ra triển vọng nhân rộng mô hình này trong tương lai. Đây cũng là một bước đi quan trọng trong nỗ lực thu hút nguồn lực tài chính quốc tế, hiện thực hóa các cam kết về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate