Theo báo cáo của DoubleVerify (nền tảng chuyên cung cấp các dịch vụ đo lường và phân tích các phương tiện truyền thông kỹ thuật số) về tiêu chuẩn chất lượng và hiệu quả truyền thông tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), nhu cầu sử dụng mạng xã hội tại khu vực châu Á là rất lớn khi có tới 60% số lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đến từ khu vực này.
THỊ TRƯỜNG QUẢNG CÁO TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Hiện nay, các siêu ứng dụng (super app) cũng đang tạo nên một hiện tượng lớn như các sàn mua sắm thương mại điện tử như Grab, Lazada, Websosanh,… ngày càng trở nên phổ biến với vai trò như là những kênh khám phá.
Báo cáo của DoubleVerify cũng chỉ ra rằng có gần 70% người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á dành nhiều thời gian hơn mỗi ngày để xem các nội dung trực tuyến. Đáng chú ý, tại Việt Nam, có tới 59% người tiêu dùng tin tưởng vào mạng xã hội để nghiên cứu thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng.
Chính vì điều này, khảo sát cho thấy các nhà tiếp thị nhận thức được tầm quan trọng trong việc đo lường chất lượng truyền thông khi 91% cho rằng việc này rất cần thiết để thúc đẩy hiệu quả quảng cáo kỹ thuật số và 98% đã sử dụng công cụ để xác thực quảng cáo trong các chiến dịch của mình đưa ra.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông bán lẻ cũng đang được chú ý khi có đến 99% các nhà tiếp thị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên kế hoạch sẽ gia tăng chi phí dành cho truyền thông bán lẻ trong vòng 12 tháng tới.
Theo bà Corina Trang Lương, Giám đốc Kinh doanh cấp cao, DoubleVerify Việt Nam, với định vị là thị trường quảng cáo tăng trưởng nhanh thứ 3 tại Đông Nam Á, tăng trưởng của Việt Nam là điều chắc chắn với kỳ vọng đạt tới gần 2,6 tỷ USD trong năm 2024. Điều đó mở ra cơ hội để các nhà tiếp thị tại Việt Nam ưu tiên chất lượng truyền thông, tập trung vào các chỉ số cốt lõi.
Bà Corina Trang Lương cũng cho rằng những phát kiến trên phương diện AI sẽ đem đến tác động sâu rộng đối với ngành công nghiệp quảng cáo. Cụ thể như khả năng dự đoán để tối ưu hiệu suất quảng cáo trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
VẪN TỒN ĐỌNG RỦI RO
Tại Việt Nam, báo cáo của DoubleVerify cho thấy chất lượng quảng cáo cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Điển hình là việc gian lận trong quảng cáo đã giảm 25% trong năm 2023.
Tuy nhiên, các vi phạm liên quan đến hiển thị hoặc mức độ phù hợp nhãn hiệu lại tăng 47%... Các gian lận quảng cáo đang diễn ra trên rất nhiều nền tảng, đặc biệt là các quảng cáo liên quan đến hiển thị, khi những bên cung cấp quảng cáo liên tục đưa ra các thủ thuật, thậm chí, chèn quảng cáo vào cả những trang web “đen”, comment trên các mạng xã hội, để đáp ứng đủ số cho các doanh nghiệp.
Là một người thường xuyên mua hàng trên các trang thương mại trực tuyến, chị Vân Anh (26 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, cho biết mỗi ngày chị dành từ 1 – 3 giờ cho các trang mua hàng trực tuyến như Shopee, TikTok,… Tuy nhiên, chị sẽ tự tìm hiểu, đánh giá và chọn mua sản phẩm và không quyết định mua hàng thông qua các quảng cáo vì thiếu độ tin cậy.
Theo ông Jeremy Chang, Giám đốc Cấp cao khu vực Đông Nam Á và Bắc Á, DoubleVerify, trong bối cảnh tăng trưởng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số tại khu vực APAC ngày càng tăng, các nhà quảng cáo cần bảo vệ những khoản đầu tư của mình thông qua hoạt động xác minh liên tục, xuyên suốt các kênh quảng cáo, nhằm ngăn chặn thất thoát do vấn nạn quảng cáo cũng như các vi phạm liên quan đến hiển thị hoặc mức độ phù hợp của nhãn hiệu.
Đưa ra lời khuyên về việc làm sao để phát hiện các gian lận quảng cáo, ông Jeremy Chang cho biết: "Mặc dù đơn vị này đã sử dụng các công cụ, công nghệ AI để phát hiện gian lận, tuy nhiên việc này vẫn rất khó. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tiến hành dò tìm các kênh gian lận, sau đó đưa ra danh sách để các nhà quảng cáo không chọn các kênh này nữa".
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng để các doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động quảng cáo. Ở lần cập nhật mới nhất tháng 2/2024, danh sách White List gồm 3.066 tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng và nhóm cộng đồng của các cơ quan báo chí; các đài phát thanh truyền, truyền hình và đơn vị hoạt động truyền hình; các tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số.
Hay mới đây, TP.HCM vừa ban hành quyết định ban hành quy chế phối hợp quản lý trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Quy chế này đưa ra những quy định trong phối hợp và trách nhiệm các sở, ngành, địa phương về quản lý, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng phối hợp các sở, ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo đối với người nổi tiếng (KOLs) tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng; cá nhân sử dụng danh nghĩa, địa chỉ, hình ảnh, lời chia sẻ của bệnh nhân; sử dụng trang phục bác sĩ, quân trang và thiết bị ngành công an, quân phục của quân đội; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo, chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định.