September 22, 2023 | 23:37 GMT+7

Ghi nhận nhiều điểm tích cực, S&P và Moody’s đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục hút mạnh dòng vốn FDI

An Nhiên -

S&P và Moody’s đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trên nhiều lĩnh vực nhưng đặc biệt là khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệmStandard & Poor's Global Ratings.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệmStandard & Poor's Global Ratings.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Hoa Kỳ, ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's Global Ratings (S&P) và Moody's.

VIỆT NAM PHẤN ĐẤU XẾP HẠNG TÍN NHIỆM LÊN MỨC ĐẦU TƯ VÀO NĂM 20230

Tại cuộc làm việc với S&P, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đánh giá cao việc S&P đánh giá thường niên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, giải đáp mọi thắc mắc của đoàn, đồng thời sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục áp dụng chính sách, phù hợp với các thông lệ quốc tế, hướng tới mục tiêu tới năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Đầu tư (BBB).

Đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P có đề cập đến một số hạn chế, thách thức đối với hệ số tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể về biến động của thị trường bất động sản gần đây.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin về việc Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, như: hạ lãi suất cho chủ đầu tư và người mua nhà; xây dựng nhà ở xã hội và sửa đổi quy định về định giá đất.

Qua đó, đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết, trên cơ sở những thông tin tích cực nêu trên, S&P sẽ bổ sung các hành động chính sách này vào đánh giá tổng quan của Tổ chức về thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”. Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư (từ Baa3 đối với thang điểm của Moody’s).

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Trao đổi về lĩnh vực chứng khoán, đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết sẽ cung cấp tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm và cử nhóm hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam trong quá trình xây dựng, sửa đổi nghị định hướng dẫn luật Chứng khoán.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị hai tổ chức chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường trái phiếu ổn định, lành mạnh. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc chia sẻ kinh nghiệm của hai tổ chức tại các thị trường tương đồng với Việt Nam, về quan điểm trong việc xây dựng quy định về yêu cầu bắt buộc có xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như trong trường hợp nào yêu cầu phải có tài sản đảm bảo…

Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như S&P và Moody’s nâng mức tín nhiệm đối với Việt Nam trong năm 2022 và tiếp tục giữ xếp hạng Việt Nam năm 2023 cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.

S&P và Moody’s đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trên nhiều lĩnh vực nhưng đặc biệt là khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo.

Tại các cuộc làm việc với tổ chức xếp hạng tín nhiệm (S&P và Moody's), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã cảm ơn và đề nghị các công ty xếp hạng tín nhiệm tiếp tục theo sát và đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Các ý kiến này rất hữu ích cho Chính phủ Việt Nam trong việc nắm bắt mối quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư để Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin về việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là cơ sở cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tặng quà lưu niệm cho đại diệnTổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tặng quà lưu niệm cho đại diệnTổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's.

HOA KỲ CAM KẾT HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Văn phòng khu vực Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ tại New York và các Vụ có liên quan đến từ thủ đô Washington DC.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chia sẻ với Uỷ ban Chứng khoán Hoa kỳ về một số những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Uỷ ban chứng khoán Việt Nam, bao gồm việc tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát, minh bạch thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn có hiệu quả trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán cũng rất quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng những yêu cầu của thị trường, đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Ngoài ra, việc quản lý các tài sản số, việc ứng dụng công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý, vận hành thị trường cũng đã được hai bên thảo luận tại buổi làm việc.

Trao đổi về những hoạt động hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian tới, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ, trao đổi thông tin phục vụ việc quản lý giám sát của cơ quan quản lý chứng khoán.

Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ cũng mong muốn hai bên sẽ trao đổi, thảo luận để ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương, bên cạnh Biên bản ghi nhớ đa phương chung của IOSCO, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác vốn đã rất tốt đẹp của hai bên.

Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ tổ chức ngay các hội thảo trực tuyến và trực tiếp nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ nâng cao năng lực về các chủ đề mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam quan tâm như quy định và yêu cầu về công bố thông tin; hoạt động soát xét hồ sơ đăng ký phát hành; quy định về miễn trừ trách nhiệm của công chức khi thực thi công vụ đúng chức trách; các hoạt động về thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi...

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước bày tỏ sự vui mừng với những kết quả tích cực đã đạt được tại buổi làm việc, cũng như trân trọng về những đóng góp, hỗ trợ của phía Hoa Kỳ từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành cho đến nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate