January 20, 2025 | 13:35 GMT+7

Giá cước vận tải dầu bằng đường biển tăng dữ dội vì Mỹ siết trừng phạt Nga

Bình Minh -

Chưa đầy 1 tuần, giá cước tàu chở dầu cỡ lớn đi từ vùng Vịnh ở Trung Đông tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng hơn 40%...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá cước vận tải dầu bằng đường biển đã tăng mạnh sau khi Mỹ mới đây công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga - động thái đặt ra mối đe dọa lớn đối với chuỗi phối dầu bằng đường biển của nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này.

Hôm 10/1, Bộ Tài chính Mỹ công bố áp thêm trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu khí Nga, bao gồm trừng phạt hai công ty Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng 183 con tàu “chủ yếu là tàu chở dầu trong hạm đội tàu bí mật của Nga dùng để vận chuyển dầu Nga”. Ngoài ra, danh sách trừng phạt lần này còn bao gồm hai công ty bảo hiểm vận tải biển Ingosstrakh Insurance và AlfaStrakhovanie của Nga.

Đợt trừng phạt này được cho là sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với Nga, trong bối cảnh nước này đã buộc phải chuyển hướng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau các biện pháp trừng phạt và trần giá mà châu Âu và nhóm G7 đưa ra, lần lượt có hiệu lực từ tháng 12/2022 và tháng 2/2023.

CÚ SỐC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU DẦU NGA

Theo dữ liệu mà công ty phân tích Vortexa cung cấp cho hãng tin CNBC hôm 7/1, khoảng 890 con tàu chở dầu đã vận chuyển dầu Nga - gồm cả dầu thô và các sản phẩm dầu - trong 6 tháng qua. 107 con tàu trong số này, chiếm 12% tổng số, là đối tượng của các biện pháp trừng phạt trong khoảng thời gian đó.

Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong số 183 tàu chở dầu Nga mới bị Mỹ trừng phạt, có 160 tàu đã vận chuyển hơn 1,6 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày trong năm ngoái, chiếm 22% tổng lượng xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển trong năm 2024.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng nhằm siết chặt số tàu mà các bên không thuộc Nga có thể thuê để chở dầu Nga, dẫn tới giá cước vận tải dầu của các tàu khác tăng lên. Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong việc mua dầu Nga, các khách hàng nhập khẩu dầu Nga ở khu vực châu Á sẽ phải mua nhiều dầu hơn từ các nguồn khác như Trung Đông để thay thế, dẫn tới nhu cầu tàu chở dầu từ các khu vực này tăng lên.

Sau khi các biện pháp này được công bố hôm 10/1, khối lượng giao dịch hợp đồng Thỏa thuận vận tải tương lai (FFA) - loại hợp đồng cho phép các nhà giao dịch phòng hộ trước sự biến động giá cước vận tải biển - tăng lên con số 11.412 hợp đồng ngay trong ngày hôm đó, sau đó đạt các mức cao khác là 7.900 và 6.700 hợp đồng vào ngày 13/1 và 14/1 - theo dữ liệu từ Sàn giao dịch Baltic. Trước đó trong tháng 11 và 12, số hợp đồng FFA được giao dịch bình quân mỗi ngày chỉ đạt tương ứng 2.978 và 1.683 hợp đồng.

Giá cước tàu chở dầu cỡ lớn đi từ vùng Vịnh ở Trung Đông tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một tuyến vận tải chủ đạo của ngành công nghiệp dầu lửa toàn cầu - tăng hơn 40% trong thời gian từ ngày 9-14/1 - theo dữ liệu từ công ty Argus Media.

Một hệ quả là các biện pháp trừng phạt của Mỹ “có thể làm gián đoạn nghiêm trọng các chuỗi cung ứng và phân phối dầu Nga” - IEA cảnh báo, đồng thời nhận định hoạt động xuất khẩu dầu Nga sẽ “hứng chịu một cú sốc từ sự sụt giảm số lượng tàu bí mật” và việc mất đi dịch vụ bảo hiểm tàu chở dầu cũng như lực lượng các nhà giao dịch dầu Nga và các công ty chuyên xử lý hoạt động mua bán dầu Nga.

Tuy nhiên, IEA chưa đưa ra dự báo mới về nguồn cung dầu Nga sau đợt trừng phạt mới này của Mỹ. Theo số liệu của IEA, xuất khẩu dầu thô của Nga, một thành viên chủ chốt của OPEC+, đã giảm 250.000 thùng/ngày trong tháng 12 so với tháng trước đó, còn 4,6 triệu thùng/ngày.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

GIÁ CƯỚC TĂNG CHÓNG MẶT

Một nhà môi giới tàu tiết lộ với hãng tin Reuters rằng vào hôm thứ Ba tuần trước, hãng dầu khí Shell đã đặt 3 tàu chở dầu thô loại rất lớn (VLCC), loại có khả năng cho tới 2 triệu thùng đầu mỗi chuyến, với mức giá cước Worldscale (WS) 70 để chở dầu từ Trung Đông vào đầu tháng 2. Công ty lọc hóa dầu Shenghong Petrochemical của Trung Quốc đặt 2 VLCC, cũng để chở dầu từ Trung Đông, ở mức giá cước tương tự. WS là một công cụ của ngành vận tải biển để tính giá cước vận tải phục vụ cho việc so sánh mức cước trên các tuyến khác nhau.

Các nhà giao dịch dự báo sẽ có thêm nhiều tàu chở dầu được thuê để bốc dầu từ Trung Đông vào tháng 2, và điều này sẽ đẩy giá cước lên cao hơn.

Hôm thứ Tư, công ty Unipec của Trung Quốc đặt thêm 10 tàu chở dầu để vận chuyển dầu từ Trung Đông. Từ hôm 1/1, công ty này đã đặt 23 tàu chở dầu từ Trung Đông tới Trung Quốc.

Nhu cầu tăng mạnh khiến giá cước thuê một tàu VLCC trên tuyến từ Trung Đông tới Trung Quốc tăng lên mức 70,45 WS vào hôm thứ Tư tuần trước, tương đương tăng 15%. Như vậy, giá thuê một tàu chở dầu loại rất lớn trên tuyến này đã lên tới 4,1 triệu USD/chuyến. Giá thuê tàu trên các tuyến khác cũng tăng với mức tương tự.

Như giá thuê tàu VLCC từ Trung Đông tới Singapore tăng 10,45 WS lên mức 71,8 WS, giá thuê từ Tây Phi tới Trung Quốc tăng 9,23 WS lên mức 70,67 WS. Giá cước một chuyến vận tải dầu thô từ vùng Vịnh tới Trung Quốc vào hôm 16/1 là 8,715 triệu USD, tăng 1,895 triệu USD so với trước đó chỉ 2 ngày.

Một nhà điều hành trong lĩnh vực vận tải biển cho hay tàu chở dầu loại Aframax (có tải trọng từ 80.000-120.000 tấn) được thuê để chở dầu thô ESPO của Nga từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương tới Trung Quốc có thời điểm có giá cước cố định 6-6,5 triệu USD/chuyến sau khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được áp, tăng gấp 5 lần so với tuần trước đó. Nhưng sau đó, chủ tàu thậm chí đã chào mức cước 8 triệu USD cho mỗi chuyến hàng như vậy.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate