Hôm thứ Sáu vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đưa ra một quyết định nằm ngoài dự báo của thị trường: giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 21% thay vì tăng 2 điểm phần trăm như kỳ vọng. Sự bất ngờ này diễn ra trọg bối cảnh nhiều nhân vật quyền lực trong nền kinh tế Nga không hài lòng với nỗ lực chống lạm phát của CBR bằng cách tăng lãi suất dồn dập.
Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói rằng cơ quan này đã quyết định tạm dừng sau chuỗi đợt tăng lãi suất liên tiếp, cho dù giới đầu tư và chuyên gia kinh tế trước đó tin rằng lần họp này sẽ đưa ra mức lãi suất 23% hoặc thậm chí cao hơn. Lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Moscow có vẻ không phù hợp với thực tế rằng lạm phát ở Nga được dự báo sẽ sớm lên tới mức hai con số và đồng rúp còn tiếp tục mất giá. Nền kinh tế thời chiến đang “quá nóng” của Nga khiến những nỗ lực chống lạm phát của CBR trở nên khó khăn hơn bao giờ hết - theo tờ báo Financial Times.
Lãi suất ở Nga đã tăng mạnh kể từ tháng 7 năm nay và hiện đang cao hơn so với thời điểm ngay sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Lãi suất cao dẫn tới một làn sóng chỉ trích ngày càng lớn từ các quan chức và các nhà tài phiệt Nga.
ÁP LỰC CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CBR
Chuyên gia Alexandra Prokopenko tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin nói với Financial Times: “Việc CBR giữ nguyên lãi suất là một quyết định gây bất ngờ đối với thị trường và thậm chí đối với chính CBR. Không có cách nào khác để giải thích cho quyết định này ngoài áp lực chính trị ngày càng gia tăng”.
Giới doanh nhân và chuyên gia kinh tế của Nga cho rằng cuộc chiến chống lạm phát đầy khó khăn của bà Nabiullina, cho dù lãi suất đã được nâng lên mức kỷ lục, cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khó cân bằng được các ưu tiên không thể tách rời trong nền kinh tế chiến tranh. “Không thể vừa có chi tiêu chính phủ mạnh tay, vừa có tỷ giá hối đoái ổn định và một nền kinh tế thị trường được. Sẽ phải hy sinh một trong những yếu tố đó. Không thể có tất cả cùng một lúc được”, một nhà cựu điều hành cấp cao trong lĩnh vực năng lượng Nga nhận định.
Nhu cầu trong nền kinh tế Nga đáng liên tục vượt xa nguồn cung và CBR chỉ có trong tay một bộ công cụ rất hạn hẹp ngoài tăng lãi suất để chống lại sự leo thang của lạm phát trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp và năng suất cũng thấp. Nhiều nhà kinh tế dự báo lạm phát ở Nga có thể lên tới 10% vào cuối năm 2024, do chi tiêu quốc phòng tăng vọt và sự bùng nổ tương ứng trong lĩnh vực tiêu dùng. Theo ước tính của CBR, lạm phát hàng năm hiện ở mức 9,5%, vượt xa mục tiêu 4%.
Đồng rúp Nga hiện đã giảm khoảng 20% kể từ mức thấp thiết lập trong mùa hè, giao dịch ở mức khoảng 103 rúp đổi 1 USD. Áp lực mất giá đối với rúp một phần đến từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế xuất khẩu năng lượng và khả năng giao dịch quốc tế của Nga. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này chỉ dao động quanh mức 2,3% do các nhà sản xuất quốc phòng làm việc 3 ca suốt ngày đêm để sản xuất trang thiết bị và hàng hóa phục vụ cho chiến tranh. Hoạt động sản xuất này được chi trả bằng ngân sách chính phủ ngày càng tăng, dẫn tới một lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế, khiến áp lực lạm phát và mất giá đồng tiền ngày càng lớn.
Trong một báo cáo hồi đầu tháng 12, CBR thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang “nhận được nhiều tiền hơn khả năng hấp thụ”.
Việc CBR tăng lãi suất dồn dập từ mức 16% trong tháng 7 đã dẫn tới sự chỉ trích từ nhiều nhân vật có tiếng nói ở Nga trong những tháng gần đây, bao gồm cả những nhân vật thân tín lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin như ông Igor Sechin - người đứng đầu công ty dầu mỏ Rosneft, và ông Sergei Chemezov - người điều hành nhà sản xuất quốc phòng Rostec. Hôm thứ Tư tuần trước, ông Sergei Mironov - người đứng đầu đảng đối lập thuộc sự điều hành của Điện Kremlin - cáo buộc Thống đốc Nabiullina “phá hoại” nền kinh tế và nói rằng việc bà tăng lãi suất đã khiến lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Bà Nabiullina được đánh giá là đã có công chèo lái Nga vượt qua một số cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ khi bà được bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2013, bao gồm cả thời điểm khó khăn vào 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea và vào năm 2022 sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Nguồn thạo tin tiết lộ rằng những thành tích đó đã mang lại cho bà Nabiullina một sự tự do nhất định khỏi ảnh hưởng của ông Putin - người đã thừa nhận những lời chỉ trích nhằm vào CBR nhưng vẫn dành sự cho bà sự ủng hộ âm thầm.
Tại cuộc đối thoại thường niên với người dân Nga hôm thứ Năm tuần vừa rồi, ông Putin thừa nhận tình trạng “lạm phát” và “nền kinh tế đang quá nóng”, nhưng cho biết “chính phủ và ngân hàng trung ương đã sẵn sàng để giảm sức nóng đó”.
BA VẤN ĐỀ CỦA NỀN KINH TẾ NGA
Bởi vậy, có thể tin rằng lãi suất ở Nga sẽ không sớm giảm, dù việc tăng lãi suất có thể chậm lại hoặc tạm dừng một thời gian. Hôm thứ Sáu, bà Nabiullina phát tín hiệu lãi suất có thể duy trì ở mức hiện tại trong năm 2025, nói rằng CBR sẽ đánh giá về lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 2 - một tuyên bố có phần mềm mỏng so với trước đó rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng.
Theo giới phân tích, nền kinh tế Nga đang có nhiều vấn đề mà sự bùng nổ của chi tiêu không thể che giấu.
Vấn đề thứ nhất là tốc độ tăng lương chóng mặt dành cho người lao động phổ thông do làn sóng tuyển dụng trong lĩnh vực quốc phòng. Theo trang rao vặt Headhunter của Nga, một số mức lương đã tăng tới 45% trong nửa đầu năm nay. Nhà cựu điều hành doanh nghiệp năng lượng ở trên phát biểu: “Một người thợ hàn đang làm việc cho bạn đã bị thu hút đến nhà máy quốc phòng với mức lương khủng. Bây giờ hoặc không có ai để thuê hoặc bạn phải tăng lương, và bạn sẽ kiếm tiền bằng cách nào để trả lương? Lãi suất đang cao đến mức bạn không thể thu hút được tiền và hoạt động xây dựng bị đình trệ”.
Bà Elina Ribakova, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, làn sóng đợt tuyển dụng hiện nay ở Nga chỉ nhằm mục đích “đưa người ra tiền tuyến và sản xuất súng đạn cho chiến tranh. Đó không phải là tăng trưởng năng suất”.
Công nhân lành nghề cũng đang thiếu hụt. Phó thủ tướng Alexander Novak cho biết hồi đầu tháng này rằng Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu 1,5 triệu công nhân có tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, vận tải và tiện ích.
Thứ hai, tình trạng mất giá mạnh gần đây của đồng rúp cũng cho thấy nền kinh tế Nga đang chịu áp lực lớn hơn như thế nào khi phương Tây sáng tạo hơn trong các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Tháng trước, Mỹ đã đưa vào danh sách đen Gazprombank - ngân hàng Nga giữ vai trò là mạch dẫn chính cho hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga và là một trong số rất ít các định chế tài chính Nga còn chưa bị trừng phạt. Động thái này đã đóng lại một trong số ít những cánh cửa còn mở của Nga với nền kinh tế toàn cầu và hệ thống thanh toán Swift, buộc các nhà nhập khẩu và xuất khẩu Nga phải thực hiện các giải pháp ngày càng phức tạp và tốn kém để giao dịch quốc tế.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán quốc tế nhận định rằng nền kinh tế Nga đang “quá nóng vì những khoản hoa hồng lớn trả cho những người trung gian” trong các giao dịch quốc tế, rằng đây là một nguyên nhân làm giá cả mọi thứ tăng lên. “Bạn không thể làm gì được và đó là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế”, người này nói.
Và thứ Ba, người dân Nga đang cảm nhận rõ sức ép tài chính gia tăng. Giá mỗi mét vuông nhà ở nước này đã tăng 30% kể từ khi chiến tranh nổ ra - theo dữ liệu từ SberIndex, một bộ dữ liệu của ngân hàng quốc doanh lớn nhất Nga Sberbank. Giá nhà tăng kết hợp với lãi suất vay thế chấp nhà tăng cao và kết thúc hoạt động cho vay có trợ cấp đã khiến giấc mơ có nhà trở nên xa vời đối với nhiều người Nga.
“Tôi tiếc vì không vay thế chấp để mua nhà khi lãi suất còn thấp. Giờ thì có thể tôi không bao giờ mua được nhà nữa”, Arina - một bà mẹ đơn thân ngoài 30 tuổi ở Moscow - phát biểu.
Không mua được nhà, nhiều người Nga buộc phải chấp nhận cảnh đi thuê nhà. Ở Moscow, giá thuê một căn hộ một phòng ngủ hiện tiêu tốn khoảng 74% lương tháng bình quân của người lao động ở thành phố này, từ mức 63% cách đây 2 năm - theo dữ liệu từ RBC Real Estate.
Theo ông Ribakova, thực tế điều hành một nền kinh tế thời chiến đồng nghĩa Thống đốc Nabiullina không có nhiều lựa chọn.
“Bà ấy có thể tìm cách can thiệp vào các khoản vay được trợ cấp dành cho lĩnh vực công nghệp quốc phòng. Nhưng sẽ không ai cho phép bà ấy làm như vậy. Đó không phải là việc được ưu tiên. Ưu tiên bây giờ là tăng trưởng sản lượng mạnh và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Chống lạm phát chỉ là thứ yếu”, ông Ribakova nói.