Trong báo cáo triển vọng ngành dầu khí năm 2023, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng giá dầu Brent sẽ duy trì quanh mức 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2022.
Đối với năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách zero-Covid của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1, % so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101,0 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023 so với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Tuy nhiên, ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. Về cơ bản, kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.
TIỀM NĂNG TỰ DỰ ÁN QUY MÔ NHỎ
Đối với nhóm thượng nguồn, Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11 sẽ là khung pháp lý tổng quát cho ngành Dầu khí, giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động Dầu khí. Mặc dù cần có thêm các điều khoản và hướng dẫn chi tiết hơn, việc thông qua luật Dầu khí sửa đổi là rất quan trọng, giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực Dầu khí.
Trong khi tiếp tục chờ đợi sự khởi động của các dự án dầu khí lớn, tiềm năng đến từ một số dự án quy mô nhỏ. Đối với dự án Lô B – Ô Môn được chờ đợi lâu nay, nhà máy điện Ô Môn III vẫn đang chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn ODA. Do khung giá khí từ Lô B đã được phê duyệt từ năm 2016, việc trì hoãn kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của kế hoạch ban đầu đối với các nhà máy hạ nguồn do lạm phát và đồng USD tăng giá. Do đó, cần có thời gian để sửa đổi kế hoạch và đệ trình Chính phủ.
Đáng chú ý, theo một số nguồn tin trong ngành, dự án này có thể phải đối mặt với một sự gián đoạn khác khi nhà điều hành dự kiến sẽ cho đấu thầu lại gói thấu EPC giàn xử lý trung tâm (CPP) ngoài khơi. Tuy nhiên, sự gián đoạn này có thể mở ra cơ hội cho các nhà thầu EPC trong nước như PVS tham gia sâu hơn vào dự án Lô B. Nhìn chung, kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong năm 2023.
Trái ngược với các dự án mỏ khí lớn kể trên, các dự án khác liên quan đến phát triển các mỏ hiện hữu như dự án mở rộng mỏ dầu Bạch Hổ, dự án khai
thác mỏ dầu Kình Ngư Trắng (Lô 09-2/09) đã được phê duyệt trong vài tháng qua. Các dự án này sẽ bù đắp một phần cho sự cạn kiệt sản lượng của các mỏ lâu năm. Nhờ mặt bằng giá dầu cao và có thể kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài khơi sẵn có, VnDirect tin rằng các dự án này sẽ sớm được triển khai, cung cấp cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà cung cấp dịch vụ khoan và nhà thầu EPC.
Với nhóm Trung nguồn, nhóm vận tải dầu khí hưởng lợi theo đà tăng giá cước. Động lực tăng giá tiềm năng đối với giá cước vận tải tàu chở dầu toàn cầu khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đang định hình lại dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Nhu cầu đối với tàu chở dầu thô và nhiên liệu tăng lên kể từ khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay.
Đáng chú ý, với việc là một nguồn nhiên liệu có thể thay thế cho khí trong sản xuất điện, nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu.
Hơn nữa, việc chuyển hướng dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến quãng đường dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu chở dầu toàn cầu.
Đối với thị trường nội địa, nhu cầu vận tải Dầu khí sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc BSR và NSR hoạt động hết công suất (ngoại trừ BSR vào năm 2023 do đợt bảo dưỡng định kỳ) và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước Covid kể từ năm 2022, là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải Dầu khí. Do đó, thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp vận tải Dầu khí của Việt Nam với sự đóng góp ổn định vào kết quả kinh doanh của các công ty.
DOANH NGHIỆP PHÂN PHỐI XĂNG DẦU HỒI PHỤC MẠNH
Với nhóm hạ nguồn, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn.
Sang năm 2023, VND tin tưởng vào tiềm năng phục hồi mạnh của các doanh nghiệp phân phối lớn (từ mức nền thấp của năm 2022) nhờ một số lý do sau: Giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR). Đây sẽ là tiền đề để NSR hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11. Sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là , % trong giai đoạn 2022-30, là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới. Các doanh nghiệp phân phối lớn như PLX, OIL có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn.
Trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay, VnDirect ưu tiên những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính vững mạnh, chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh của họ và có thể hưởng lợi từ môi trường giá dầu cao như GAS và PVS. Ngoài ra, doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn như PLX sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.