Những ngày gần đây, đường kính tinh luyện được bán với giá 21.000 - 22.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chiều 14/1, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng: Giá đường sản xuất trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu là không hợp lý. Do đó, các nhà máy sản xuất mía đường cần hạ giá đường xuất xưởng xuống để chia sẻ với người tiêu dùng.
Cao, nhưng phù hợp?
Trước yêu cầu của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các doanh nghiệp sản xuất đường đều cho rằng giá đường hiện nay ở mức cao, nhưng đó mới là giá phù hợp. Về phía các nhà máy, không đơn vị nào dám “găm hàng” chờ tăng giá do áp lực về lãi suất từ ngân hàng là rất lớn.
Còn ông K.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam lý giải: giá đường trong nước buộc phải tăng do giá thu mua mía liên tục tăng. Hiện nay ở nhiều địa phương, cây sắn đang mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Nếu giá thu mua mía thấp, người dân sẽ chặt mía để trồng sắn. Vụ tới, nhà máy sẽ không có nguyên liệu để sản xuất.
Trong khi công suất sản xuất của các nhà máy không hề giảm nhưng trên thị trường, đường vẫn khan hiếm một phần là do đường lậu không “vào” được. Điều này có nghĩa là giá đường trong nước vẫn thấp hơn giá thế giới. Vì nếu giá cao hơn, lập tức đường lậu sẽ ồ ạt tràn vào.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh thì cho là: Nếu cố giữ cho giá đường ở mức thấp, có thể khiến cho đường trong nước “chạy” sang Campuchia. Vì hiện nay theo ghi nhận giá đường ở nước bạn này vẫn cao hơn tại nước ta.
Giá cao do đâu?
Theo báo cáo của Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối tính đến ngày 12/1/2010, lượng đường tồn kho của các nhà máy là 137 nghìn tấn, thấp hơn so với ngày 15/1/2009 là 25 nghìn tấn.
Nhưng cùng với sự tăng cao của giá đường trên thế giới, giá đường trong nước gần đây cũng tăng mạnh. Giá đường bán lẻ hiện ở mức 21.000- 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các nhà máy đường cho biết, đường trắng tinh luyện đã có thuế tại kho hiện đang được bán ra với giá từ 16.500- 17.700 đồng/kg.
Theo đại diện một công ty thương mại (xin giấu tên), giá đường bán lẻ cao là do các nhà bán lẻ đã “đòi” mức lợi nhuận quá lớn. Vị này dẫn ra, trên thực tế so với đầu năm 2009, giá mía thu mua hiện nay đã tăng gấp đôi, do đó giá đường cũng tăng gấp đôi là điều hợp lý.
Giá mua mía 10 chữ đường tại ruộng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang từ 800.000-950.000 đồng/tấn; Đông Nam bộ từ 680.000- 715.000 đồng/tấn; miền Trung- Tây Nguyên là 730.000-800.000 đồng/kg; miền Bắc từ 580.000- 650.000 đồng/tấn. Cộng thêm chi phí vận chuyển khi đến nhà máy, mức giá này thường tăng thêm khoảng 20%.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: theo phản ánh của các thành viên Hiệp hội, hầu hết các đơn vị đều không mua được trực tiếp từ nhà máy mà phải qua các đại lý cấp I. Điều này đã khiến giá đường nhập vào bị đẩy lên phổ biến ở mức 19.500 đồng/kg. Gánh thêm các cho phí nên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không thể dưới 21.000 đồng/kg.
Đã cấp phép nhập khẩu 150 nghìn tấn đường
Theo ước tình niên vụ 2009-2010, sản lượng đường của toàn ngành chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của cả nước trong năm 2010 khoảng 1,3 triệu tấn. Lượng thiếu hụt là 300 nghìn tấn.
Trước tình hình này, mới đây Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và đã cấp hạn ngạch nhập khẩu đường trong năm 2010 là 150 nghìn tấn. “Các bộ cũng sẽ tiếp tục đánh giá mức tiêu thị để điều chỉnh trong những tháng tới”, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng kiến nghị không chỉ cho các nhà sản xuất có nhu cầu lớn về đường nhập khẩu mà cần cấp phép cho cả các công ty thương mại để “hạ nhiệt” giá đường trong nước.
Đồng tình với các ý kiến cho rằng mức giá hiện nay là đảm bảo lợi ích cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhưng ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng vẫn cần phải có các biện pháp nhằm kiểm soát giá bán lẻ.
Theo đó, cần xây dựng cơ chế nhập khẩu theo hướng Nhà nước kiểm soát giá cả, thay vì sự độc quyền giá của doanh nghiệp. Nghiên cứu phương thức đấu thầu “người mua” hạn ngạch quota nhập khẩu đường. Đơn vị, cá nhân trúng thầu phải nhập đường theo đúng tiến độ (kỳ hạn) và bán đường theo giá chỉ đạo của Nhà nước trong thời gian nhất định để bình ổn giá trên thị trường.
Chính phủ cũng cần có cơ chế dự trữ quốc gia về đường (như đối với gạo, muối). Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước cũng như vai trò của Hiệp hội Mía đường, cương quyết xử lý đối với những tổ chức, cá nhân cố tình đầu cơ, tích trữ, phá giá, gây lũng đoạn thị trường.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate