Giá khí đốt tự nhiên giao sau tại thị trường châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 2 tháng trở lại đây trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (19/9), khi các quốc gia trong khu vực tăng cường nỗ lực giải toả cuộc khủng hoảng năng lượng vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến mùa sưởi ấm.
Theo tin từ Bloomberg, giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu có lúc giảm 8,8%, nối tiếp xu hướng giảm của tuần trước. Lúc đóng cửa, giá khí đốt giao tháng kế tiếp trên sàn TTF ở Hà Lan còn hơn 182 Euro/megawatt giờ, thấp nhất kể từ trung tuần tháng 7. Cuối tháng 8, giá khí đốt trên sàn này lên ngưỡng 340 USD/megawatt giờ.
Trong nỗ lực vượt khủng hoảng năng lượng, Đức, Anh và các quốc gia khác ở châu Âu đã lên kế hoạch chi nhiều tỷ USD để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, giải cứu các công ty năng lượng trong nước, và thiết lập trần giá để giảm áp lực đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.
Bà Kadri Simson, quan chức phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) tin rằng đang có sự ủng hộ rộng rãi đối với đề xuất của Uỷ ban châu Âu (EC) về cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng và đánh thuế vào phần lợi nhuận dôi dư của các công ty năng lượng.
“Tình hình trên thị trường năng lượng châu Âu đã bắt đầu cải thiện trong 3 tuần trở lại đây, khi các hành động chính sách bắt đầu định hình và có thêm những bằng chứng về sự giảm sút nhu cầu do giá cao”, một báo cáo của công ty phân tích thị trường Timera Energy nhận định.
Các cuộc thảo luận về đề xuất của EC nhằm giảm ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng vẫn đang tiếp diễn, và đề xuất này cần có sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên mới có thể được đưa vào triển khai. Kế hoạch bao gồm huy động 140 tỷ Euro, tương đương 140 tỷ USD, bằng cách tăng thuế đánh vào các công ty năng lượng, quy định bắt buộc giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, và tăng cường thanh khoản cho thị trường giao dịch năng lượng.
Việc nhập khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG) được đẩy mạnh cũng giúp cải thiện nguồn cung. Cảng LNG Eemshaven mới đi vào hoạt động giúp tăng khả năng nhập khẩu LNG của châu Âu.
Hôm thứ Sáu, Đức ra quyết định giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu tại Đức của công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft PJSC. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong một cuộc cải tổ nhằm mang lại cho Berlin quyền kiểm soát lớn hơn đối với ngành công nghiệp năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Chính phủ Đức cũng đang đàm phán để quốc hữu hoá các công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của nước này bao gồm Uniper SE và VNG AG - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.
Về phần mình, Anh đang lên một kế hoạch có thể giảm một nửa giá năng lượng đối với nhiều doanh nghiệp. Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 40 tỷ Bảng (46 tỷ USD) mà tân Thủ tướng Liz Truss đang hoàn tất nhằm đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ. Pháp muốn áp trần giá năng lượng cho các hộ gia đình, một biện pháp có thể tiêu tốn của Chính phủ 16 tỷ Euro trong năm 2023 – theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Bruno Le Maire.
Mức độ hiệu quả của những biện pháp này sẽ được kiểm nghiệm khi châu Âu chính thức bước vào mùa đông, và giới giao dịch trên thị trường năng lượng sẽ dồn sự chú ý vào mức dự trữ khí đốt. Hiện tại, dự trữ khí đốt của châu Âu đã đạt khoảng 86% công suất, cao hơn một chút so với mức bình quân 5 năm – theo dữ liệu từ cơ quan hạ tầng khí đốt châu Âu Gas Infrastructure Europe.
Dù đã dịu đi trong mấy tuần gần đây, giá khí đốt ở châu Âu hiện vẫn cao gấp khoảng 7 lần so với mức bình quân của thời điểm này hàng năm, theo đó đẩy lạm phát leo thang và dẫn các nền kinh tế trong khu vực tới bờ vực suy thoái. Nhu cầu khí đốt ở châu Âu được dự báo sẽ tăng dần trước khi mùa sưởi ấm bắt đầu vào ngày 1/10.
“Thị trường khí đốt châu Âu vẫn cực kỳ bấp bênh khi mùa đông đến mỗi lúc một gần”, báo cáo của Timera Energy nhận định.
Theo dự báo thời tiết, từ nay đến cuối tháng, nhiệt độ tại châu Âu sẽ giảm xuống mức thấp hơn bình thường.
Không chỉ giá khí đốt, giá điện ở châu Âu cũng giảm trong phiên ngày thứ Hai. Giá điện giao năm sau ở Đức giảm tới 8%, còn 470 Euro/megawatt giờ.