Trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 phải thực hiện giãn các xã hội, chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt nghiêm vi phạm.
SỐ MẪU VÀ SỐ CƠ SỞ VI PHẠM ĐỀU TĂNG
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình giám sát quốc gia đối với dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, năm 2021 đã lấy 3.275 mẫu thủy sản để kiểm tra, phát hiện 40 mẫu vi phạm, chiếm 1,22%, tăng so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 0,5%).
Với chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhãn quả, đã lấy 62 mẫu để xét nghiệm kiểm tra, phát hiện 5 mẫu vi phạm. Chương trình giám sát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất thịt gà không phát hiện mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật trên 432 mẫu tại cơ sở giết mổ.
Năm 2021 vừa qua, các địa phương đã tổ chức lấy 33.359 mẫu nông lâm thủy sản để xét nghiệm giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, phát hiện 1.402 mẫu vi phạm, chiếm 4,2% (tăng so với 2,3% năm 2020 (1.142/49.191 mẫu vi phạm). Đối với các mẫu giám sát vi phạm, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, việc thẩm định điều kiện đảm bảo an tòa thực phẩm tại một số địa phương không được thực hiện đầy đủ theo qui định (đạt khoảng 60%). Kết quả, tỷ lệ cơ sở được thẩm định, duy trì đủ điều kiện an toàn thực phẩm (xếp loại A/B) là 94,8%, giảm so với năm 2020 (98%).
Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục chỉ đạo chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành tại các địa phương; kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.
Kết quả toàn Ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 38.408 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 3.758 cơ sở (chiếm 9,7%), tăng so với năm 2020 (7,1%).
Năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động đàm phán mở cửa thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản: tổ chức thành công thanh tra trực tuyến để 13 doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu cá da trơn Việt Nam vào Hoa Kỳ; bổ sung 19 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nga; 67 cơ sở xuất khẩu vào Hàn Quốc; 31 cơ sở xuất khẩu sang Trung Quốc, 52 cơ sở xuất khẩu sang EU.
Bộ cũng đã đàm phán với phía Braxin về “gói 04 mặt hàng nông sản; tiếp tục đàm phán với Ả rập Xê út để sớm tái xuất khẩu thủy sản nuôi vào thị trường này, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản với kết quả cao kỷ lục 47,3 tỷ USD năm 2021, vượt xa so với mục tiêu Chính phủ giao.
Năm 2021, Bộ cũng đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cấp giấy phép, giấy chứng nhận, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Hệ thống chính sách pháp luật quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Bộ đã ban hành thêm 6 Quy chuẩn Việt Nam, công bố 33 Tiêu chuẩn Việt Nam; nâng tổng số lên 884 tiêu chuẩn và 223 quy chuẩn về chất lượng, sản phẩm nông sản.
NÂNG CAO NĂNG LỰC GIÁM SÁT AN TOÀN THỰC PHẨM
Tính đến nay cả nước đã có 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng 33 nghìn ha so với năm 2020) với 6211 doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 166 cơ sở so với năm 2020).
Tính đến hết năm 2021, cả nước đã có 16.991 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng 1.158 ha so với năm 2020); 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.
Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển thành công 1644 chuỗi giá trị nông lâm thủy sản, tăng 32 chuỗi so với năm 2020, với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà ...).
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nhận định, công tác giám sát an toàn thực phẩm vẫn còn những tồn tại. Đó là, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất.
"Hiện nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của nước ta vẫn chưa theo kịp so với quốc tế, khiến một số sản phẩm của nước ta mặc dù đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, nhưng khi xuất khẩu vẫn bị cảnh báo ở một số thị trường".
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản
Trong bối cảnh Covid, các thị trường nhập khẩu tăng các rào cản kỹ thuật. Đơn cử như, Trung Quốc bên cạnh rào cản an toàn thực phẩm đã bổ sung thêm rào cản phòng chống dịch bệnh Covid dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Bởi vậy năm 2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng nông sản, thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.
Mục tiêu là phải tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cục cũng sẽ phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Đồng thời, trình Bộ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án, thực hiện Nghị quyết Ban Cán sự về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030… rà soát, tiêu chuẩn hóa chất lượng các sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy triển khai chức năng nhiệm vụ phù hợp tình hình mới. Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.