Trên đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam tại cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, ngày 29/9.
TRÊN 13% MẪU NÔNG, THỦY SẢN VI PHẠM
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng các đơn vị chức năng vẫn triển khai ráo riết nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Trong tháng 9/2021, các địa phương đã tổ chức lấy 1.652 mẫu nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, kiểm tra phát hiện 50 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 3,03% trong tổng số mẫu.
Lũy kế 9 tháng, các địa phương lấy 25.149 mẫu nông, thủy sản để kiểm tra; đã phát hiện 3.333 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 13,25%.
Riêng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã tổ chức lấy 633 mẫu nông sản từ 14 vùng thu hoạch của 9 tỉnh, thành phố; 1.751 mẫu thủy sản nuôi các loại từ 147 vùng của 35 địa phương để trực tiếp kiểm tra.
Trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 16.318 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp. Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.389 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 18 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong 9 tháng qua, các đơn vị chức năng đã thẩm định 8.619 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả có 7.869 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm và được cấp chứng nhận, chiếm 91,3% trong số cơ sở được thẩm định.
Theo ông Tiệp, các cơ quan chức năng cũng đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bất chấp dịch bệnh, công tác giám sát an toàn thực phẩm đã đạt một số kết quả trong hợp tác quốc tế như: duy trì chứng nhận tương đương về cá da trơn, hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước chủ động thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Ngoài những thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Ả Rập Xê-út, Brazil.
Vào dịp lễ cuối năm, nhu cầu về thực phẩm tăng cao trong khi chuỗi sản xuất, cung ứng đang bị đứt gãy sẽ tạo nên hiện tượng khan hiếm cục bộ.
Bên cạnh đó, việc duy trì cũng như khôi phục sản xuất của doanh nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn liên quan đến lưu thông vật tư nông nghiệp, vấn đề sản xuất “3 tại chỗ” khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch.
“Trong 3 tháng cuối năm, phải khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong bối cảnh chung sống với dịch Covid-19, sẽ phải triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo phương thức trực tuyến, sẵn sàng thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng”, ông Tiệp nhấn mạnh.
QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM PHẢI THEO CHUỖI
Đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi, tập trung vào thức ăn chăn nuôi đảm bảo các quy chuẩn về an toàn thực phẩm, không tồn dư kháng sinh và chất cấm. Như vậy sẽ đảm bảo các bước tiếp theo trong chuỗi thực phẩm an toàn.
Đối với các doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống Covid-19.
Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu theo hướng xuất phát từ thực tiễn để đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Bằng cách này, người sản xuất sẽ dễ dàng thực hiện được các yêu cầu về quy trình kỹ thuật an toàn thực phẩm.
“Ngành nông nghiệp cần chủ động đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời tiến hành kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang”, ông Thắng đề xuất.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, đây là thời điểm thích hợp để phát triển các dự án về an toàn thực phẩm. Những khó khăn thời gian qua, cùng với yêu cầu từ tình hình thế giới buộc chúng ta phải thay đổi.
Trong tình hình bình thường mới, chúng ta không thể quản lý an toàn thực phẩm theo lối mòn, cần phải thay đổi tư duy "xử phạt để đảm bảo an toàn thực phẩm". Không nên cắt khúc quy trình quản lý an toàn thực phẩm, mà phải xây dựng theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, đóng gói, đến khi đến tay người tiêu dùng.
"Phải chuyển tư duy từ cơ chế pháp lý, tập trung thanh tra, kiểm tra sang xây dựng mô hình điểm, nhằm nhân rộng và nâng cao nhận thức, hành vi của các chủ thể".
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Giao nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các thành viên của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tập trung làm 4 việc.
Một là xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo có thể phụ trách một, vài tỉnh, thành phố để báo cáo kết quả hoạt động từng tháng.
Đề cập tình trạng có nhiều quy định được ban hành trong ngành nông nghiệp nhưng không phù hợp thực tiễn phải nhiều lần sửa đổi, Thứ trưởng Nam yêu cầu: Trước khi xây dựng một chính sách, chúng ta phải đặt câu hỏi, rằng tính thực tiễn, tính khả thi của nó đến đâu.
“Sửa đổi nghị định phải chờ mấy năm, luật thậm chí còn lâu hơn. Vì thế, chúng ta không thể cứ xây chính sách rồi bắt người dân làm theo. Không thể để tình trạng, người dân chưa kịp hiểu thông tư này, đã phải làm quen với thông tư khác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.
Hai là, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị thặng dư cho người dân.
Ba là, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu tích hợp với những chương trình sẵn có của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bốn là, chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán sắp tới, tránh để thiếu hụt cục bộ, có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.