Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm trong lúc giới đầu tư chờ báo cáo lạm phát của Mỹ để điều chỉnh kỳ vọng về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá vàng miếng trong nước sáng nay (9/8) tăng nhẹ.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,35 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,5 triệu đồng/lượng và 53,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,35 triệu đồng/lượng và 67,35 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.786 USD/oz, giảm 4,2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 50,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 16,75 triệu đồng/lượng.
Trong phiên đầu tuần tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 12,8 USD/oz, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 1.790,2 USD/oz.
Vàng tăng giá khi tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,2% trong phiên này. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh mức 106,4 điểm, so với mức 106,6 điểm vào sáng hôm qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang dao động dưới mức 2,76%.
Hôm thứ Sáu, giá vàng sụt mạnh vì số liệu việc làm tháng 7 của Mỹ tốt hơn dự báo củng cố khả năng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.
“Thị trường có vẻ như đã phản ánh cú sốc từ số liệu việc làm. Nhưng giá vàng vẫn sẽ gặp khó khăn nếu Fed tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.
Dù vậy, ông Moya cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro địa chính trị ở Đài Loan và Ukraine.
Tâm điểm chú ý của thị trường tuần này sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư. Số liệu này sẽ là một căn cứ để thị trường đoán định xem Fed sẽ nâng lãi suất bao nhiêu trong cuộc họp vào tháng 9.
Nếu mức tăng CPI lớn hơn dự báo, giá vàng sẽ gặp bất lợi, cho dù vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu. Đó là bởi lạm phát còn “nóng”, Fed sẽ còn phải nâng lãi suất với bước nhảy lớn, có thể là 0,75 hoặc thậm chí 1 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
Trong một báo cáo, nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money nhận định rằng khả năng tăng giá của vàng đang bị hạn chế bởi khả năng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất và mức độ vững vàng của ngưỡng hỗ trợ 1.700 USD/oz sẽ bị thử thách khi kết quả cuộc họp tháng 9 của Fed được công bố.
Theo chuyên gia Everett Millman của Kitco News, ở thời điểm hiện tại, bất kỳ tin kinh tế vĩ mô tốt nào cũng có thể gây bất lợi cho giá vàng vì làm gia tăng kỳ vọng vào sự thắt chặt của Fed. “Nền kinh tế càng mạnh, Fed càng thoải mái tăng mạnh lãi suất, và tin tức đó lại đẩy đồng USD tăng giá cao hơn”, ông nói.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.250 đồng (mua vào) và 23.530 đồng (bán ra), bằng với mức chốt của cuối tuần trước.