Giá vàng thế giới “cắm đầu” giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/9), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tín hiệu thận trọng về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn hoàn tất một quý tăng mạnh nhờ môi trường lãi suất giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 23,9 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm gần 0,9%, còn 2.635 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm gần 8h sáng nay (1/10) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 0,1 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.634,9 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 78,5 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Phát biểu tại một sự kiện thường niên của Hiệp hội Quốc gia Kinh tế học kinh doanh (NABE), ông Powell nói Fed có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới nhưng sẽ không đi theo một con đường cụ thể vạch sẵn nào. Ông nói nếu nền kinh tế diễn biến đúng như những gì Fed dự báo, Fed dự tính sẽ giảm lãi suất thêm 2 lần trong năm nay, với mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm.
Những gì ông Powell nói có phần dè dặt hơn so với những gì thị trường đang kỳ vọng về lãi suất Fed. Trước bài phát biểu này của ông, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.
“Ủy ban không có cảm giác vội vã để phải cắt giảm lãi suất một cách nhanh chóng”, ông Powell nói về Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed.
Sau khi nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới phát biểu, đặt cược vào mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 giảm còn 35,4%, trong khi đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm tăng lên mức 64,6% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Thị trường kim loại quý vẫn được nâng đỡ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhưng áp lực chốt lời ở vùng giá đỉnh và biến động kỳ vọng lãi suất đang gây áp lực giảm lên giá vàng - tài sản không mang lãi suất. Thời gian gần đây, giá vàng hưởng lợi từ việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 và thị trường kỳ vọng mức giảm lãi suất như vậy lại được áp dụng trở lại trong cuộc họp tháng 11.
Trong quý 3, giá vàng tăng 13%, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020. Hôm thứ Năm tuần trước, giá vàng giao ngay lập kỷ lục ở mức 2.685,42 USD/oz và giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX có lúc vượt 2.700 USD/oz.
Dù xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương có chậm lại do giá vàng liên tiếp lập kỷ lục, việc các ngân hàng trung ương lớn xoay trục chính sách tiền tệ sang nới lỏng và căng thẳng địa chính trị nóng lên ở Trung Đông đã thúc đẩy giá vàng tăng trong quý vừa qua.
“Một số nhà đầu tư có thể chuyển vốn từ thị trường kim loại quý sang cổ phiếu, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ kéo dài. Xu hướng của vàng vẫn là tăng giá”, Phó chủ tịch Peter A. Grant của công ty Zaner Metals nhận định về triển vọng giá vàng.
Trong khi đó, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho rằng giá vàng “có thể tiếp tục tích lũy trong ngắn hạn”. “Ở giai đoạn này, chất xúc tác chính của giá vàng có vẻ là các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Bởi vậy, những thông tin gây bất ngờ về tiến độ cắt giảm lãi suất có thể tác động mạnh tới giá vàng”, bà Cooper nói.
Một báo cáo của công ty Heraeus nhận định nếu vàng giảm giá và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá, nhu cầu vàng vật chất ở nước này có thể khởi sắc trong quý 4, mang tới một nguồn lực hỗ trợ cho thị trường vàng toàn cầu.