Giá xăng bán lẻ ở Mỹ giảm mạnh trong tuần vừa rồi, khi người Mỹ có kỳ nghỉ lễ Tạ ơn - sự kiện khởi động cho mùa nghỉ lễ và mua sắm cuối năm. Việc giá xăng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm phản ánh xu hướng tụt dốc gần đây của giá dầu quốc tế, trong bối cảnh liên minh dầu lửa OPEC+ chưa đạt được sự thống nhất nội bộ về vấn đề sản lượng.
Theo dữ liệu từ câu lạc bộ ô tô AAA, giá xăng bán lẻ ở Mỹ tuần vừa rồi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 - thời điểm trước khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và đẩy giá năng lượng tăng cao. Giá xăng ở Mỹ giảm trong năm nay đã đóng góp nhiều vào sự xuống thang của lạm phát ở nước này, dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng việc tăng lãi suất và được dự báo sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
“Đối với người tiêu dùng, giá xăng giảm là một điều tuyệt vời. Họ sẽ không phải chi quá nhiều để đổ xăng trong mấy tháng tới đây. Điều này có thể duy trì cho tới giữa mùa đông”, nhà phân tích Tom Kloza của công ty thông tin về thị trường dầu lửa Oil Price Information Service nhận định.
Giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ ở thời điểm ngày 26/11 là 3,25 USD/gallon, tương đương khoảng 20.900 đồng/lít - theo AAA. Cách đây 1 tháng, giá xăng ở Mỹ dao động quanh ngưỡng 3,5 USD/gallon; cách đây 1 năm, giá xăng ở nước này là 3,64 USD/gallon. Tại hơn một chục tiểu bang như Montana, Florida và Colorado, giá xăng thậm chí đã giảm dưới mốc 3 USD/gallon.
Nguyên nhân chính khiến giá xăng ở Mỹ giảm là giá dầu thô giảm mạnh thời gian gần đây. Sau khi đạt đỉnh của hơn 1 năm ở ngưỡng 95 USD/thùng vào trung tuần tháng 9, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - hiện đã giảm khoảng 15 USD/thùng, tương đương giảm gần 20%. Giá dầu tụt dốc do nhu cầu tiêu thụ suy yếu vì tăng trưởng kinh tế ảm đạm ở Trung Quốc và châu Âu, trong khi sản lượng dầu của một số nước như Brazil, Canada và Mỹ tăng mạnh.
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đang thực thi các chương trình hạn chế sản lượng khai thác dầu, bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện, để vực dậy giá dầu. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp sản lượng định kỳ của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa rồi, và giới thạo tin cho biết Saudi Arabia - một thủ lĩnh không chính thức của liên minh - muốn nhóm giảm sản lượng sâu hơn.
Tuy nhiên, cuộc họp đã bị hoãn lại đến ngày thứ Năm tuần này - một dấu hiệu cho thấy các quốc gia thành viên trong liên minh chưa đi đến được thống nhất. Sự bất đồng này của OPEC+ đã gây áp lực giảm lên giá dầu trong tuần trước, có thời điểm giảm dưới ngưỡng 79 USD/thùng trước khi chốt tuần trên 80 USD/thùng. Trước khi hồi nhẹ trong tuần vừa rồi, giá dầu đã có 4 tuần giảm liên tiếp.
Giới thạo tin cho biết trong khi Saudi Arabia tính gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng và kêu gọi hạ sản lượng xuống mức thấp hơn nữa, nhưng Nigeria và Angola phản đối và đòi mức hạn ngạch cao hơn.
Không chỉ giá xăng giảm, giá dầu diesel bán lẻ ở Mỹ cũng giảm khoảng 23 cent/gallon trong vòng 1 tháng qua và giảm hơn 1 USD/gallon so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tăng giá lương thực-thực phẩm vì dầu diesel là nhiên liệu chủ lực sử dụng trong nông nghiệp và vận tải hàng hoá.
Nhận định về khả năng OPEC+ đạt một thoả thuận mới về hạn chế sản lượng trong OPEC+, Phó chủ tịch Jorge Leon của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói với tờ New York Times: “Việc đi đến một thoả thuận mới về cắt giảm sản lượng sẽ rất khó”. Theo ông Leon, hồi tháng 6 năm nay, Nga và 8 nước thành viên OPEC+ khác đã nhất trí với việc giảm sản lượng, “nhưng lần này khó có chuyện các nước đó chấp nhận mức hạn ngạch sản lượng còn thấp hơn nữa”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng OPEC+ vẫn có thể đi đến được một thoả thuận giảm sản lượng mới, nhất là nếu Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq chấp nhận cắt giảm sản lượng tự nguyện. Saudi Arabia cũng có thể sẵn sàng giảm sản lượng tự nguyện thêm vì ngân sách và các kế hoạch cải tổ kinh tế đầy tham vọng của nước này có mức độ phụ thuộc lớn vào giá dầu cao.
OPEC+ đã giảm sản lượng khai thác dầu với mức cắt giảm 5,16 triệu thùng/ngày từ năm 2022. Trong đó có 3,66 triệu thùng/ngày là lượng cắt giảm của toàn liên minh và 1,5 triệu thùng/ngày là lượng cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga.