March 20, 2022 | 11:00 GMT+7

Giải bài toán vốn đâu để doanh nghiệp du lịch hồi phục?

Doanh nghiệp ngành du lịch mong các ngân hàng sẽ tạo điều kiện nhiều hơn về thủ tục giấy tờ để dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay...

Đối thoại chuyên đề: "Mở cửa du lịch hậu Covid – Những vấn đề nóng cần giải quyết" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Đối thoại chuyên đề: "Mở cửa du lịch hậu Covid – Những vấn đề nóng cần giải quyết" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Trong suốt hai năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến ngành du lịch Việt Nam gần như bị "đóng băng". Nếu không có sự đồng hành của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ lại được thị trường và chờ đến ngày mở cửa du lịch.

Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Mở cửa du lịch hậu Covid – Những vấn đề nóng cần giải quyết" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ambassador Cruise cho biết, với doanh nghiệp kinh doanh tàu ở Hạ Long, chúng tôi đã được hỗ trợ tốt từ ngân hàng.

Thậm chí, ông Dũng cho hay, ngay trong đại dịch, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp vẫn không ngừng đầu tư về phát triển tàu và các mảng kinh doanh khác. Trong đó, Ambassador Cruise đã đóng mới du thuyền gần 400 chỗ, dự kiến ra mắt vào tháng 7 tới.

Tương tự, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group cũng nhấn mạnh sự đồng hành từ các ngân hàng. "Sun Group được các ngân hàng lớn tại Việt Nam đồng hành tốt trong 2 năm qua. Chúng tôi vẫn duy trì được cán bộ công nhân viên, tập trung vào công tác thay áo mới, phủ xanh cho các cơ sở của mình. Nhìn chung, Sun Group đã biến nguy thành cơ để trở lại mạnh mẽ hơn", bà Nguyện nói.

Trong khi đó khi nói về câu chuyện nguồn vốn để trở bắt nhịp với sóng hồi phục hậu Covid-19, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel chia sẻ, Tổng cục du lịch đã đề nghị với ngân hàng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang đóng quỹ 500 triệu đồng được rút 80% về để bổ sung vào hoạt động kinh doanh, điều này hết sức kịp thời.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho biết, nguồn vốn chỉ mấy trăm triệu đồng thì không thể đủ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, ông Khánh đề xuất, với gói 350.000 tỷ đồng sẽ đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành để làm sao thuận tiện nhất trong việc tiếp cận được nguồn vốn đó.

"Tôi kỳ vọng bên ngân hàng tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng nhất. Chứ thực sự có những chính sách mà doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn. Chính phủ rất quyết đoán, rất mạnh mẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đến khâu triển khai xuống dưới thì vẫn bị tắc", ông Khánh nói.

ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tại Đối thoại chuyên đề ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tại Đối thoại chuyên đề ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, thời gian qua, ngành ngân hàng đã rất đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp ngành du lịch.

Điển hình nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, 03 và 14 nhằm cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp đủ điều kiện vay mới trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19. Đồng thời, với gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong nhiệm vụ của mình, các ngân hàng đã chuẩn bị các chính sách sao cho các doanh nghiệp nói chung đều có thể tiếp cận.

"Tôi tin rằng, thời gian tới, khi doanh nghiệp du lịch có phương án kinh doanh có hiệu quả, và trên cơ sở chia sẻ khó khăn của các tổ chức tín dụng thì các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp cận được vốn vay của ngân hàng", ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của chính phủ, của thống đốc cùng các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn cùng vượt qua đại dịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate