July 19, 2023 | 15:30 GMT+7

Giải cứu ùn tắc cửa ngõ phía Nam, Hà Nội khởi công tuyến đường 3.200 tỷ đồng kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Anh Tú -

Ngày 19/7, TP. Hà Nội khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 nhằm sớm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ Đô Hà Nội. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2025...

Sau khi hoàn thành cùng với tuyến đường Vành đai 4 đang được đầu tư, các cầu vượt sông Hồng, sẽ tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng.
Sau khi hoàn thành cùng với tuyến đường Vành đai 4 đang được đầu tư, các cầu vượt sông Hồng, sẽ tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng.

Dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 141 ngày 21/1/2020, được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 471 ngày 15/4/2022 và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1803 ngày 30/5/2022. Theo đó, chiều dài tuyến khoảng 3,4 km, mặt cắt ngang rộng 60m gồm 10 làn xe, điểm đầu giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (lý trình Km184+100), điểm cuối giao với Vành đai 3 (lý trình Km169+100). 

GIẢI TOẢ ÙN TẮC TẠI NÚT GIAO CỬA NGÕ PHÍA NAM 

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ Đô Hà Nội.

Từ đó, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam khu vực trung tâm TP. Hà Nội. Với những ý nghĩa nêu trên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.

Còn theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 là dự án nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Đây là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu từng bước hoàn thiện các tuyến trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch giao thông vận tải. 

Sau khi hoàn thành, tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 cùng với tuyến đường Vành đai 4 đang được đầu tư, các cầu vượt sông Hồng, sẽ tạo thành hệ thống giao thông sẽ mang lại hiệu quả cao trong phát triển, kết nối vùng.

Đồng thời, tăng khả năng lưu thông cho các phương tiện từ các tỉnh phía Nam với TP. Hà Nội thông qua tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, từ đó, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 trên cao và các nút giao thông khu vực lân cận.

 

Tuyến đường có chiều dài khoảng 3,4km, mặt cắt ngang rộng 60m. Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 31,05ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.240 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 936 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 1.930 tỷ đồng… Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường giao thông huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Nam, có lưu lượng phương tiện giao thông lớn nên thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt là vào dịp lễ tết.

Đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thống kê lưu lượng ô tô trên tuyến này khoảng 70.000-80.000 lượt xe/ngày đêm. Vào dịp Tết âm lịch vừa qua, lưu lượng xe đạt khoảng 150.000 xe/ngày đêm.

Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định của Nhà nước; tuân thủ chặt chẽ quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật…

Nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 thường xuyên ùn tắc kéo dài.
Nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 thường xuyên ùn tắc kéo dài.

Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất; chỉ đạo UBND phường Yên Sở, UBND xã Tứ Hiệp tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng ủng hộ, bàn giao mặt bằng để dự án sớm hoàn thành theo tiến độ phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Ngoài ra, ông Dương Đức Tuấn còn yêu cầu đơn vị thi công hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt, lưu ý tổ chức giao thông đảm bảo thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

CẤP TẬP DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM, HOÁ GIẢI ÁP LỰC VỀ HẠ TẦNG

Để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông trên địa bàn thành phố, nhiều dự án trọng điểm đang được cấp tập triển khai. Được biết, năm 2023, Hà Nội triển khai 96 dự án giao thông với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.

Liên quan đến tình hình phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch trung ương giao cho thành phố là 46.956,098 tỷ đồng; kế hoạch thành phố giao là 46.946,267 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 của 480 dự án sử dụng ngân sách thành phố và ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện là 3.528,455 tỷ đồng; dự án sử dụng ngân sách cấp huyện là 589,719 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân chung của toàn thành phố, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 15.930,7 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Trong đó, ngân sách cấp thành phố thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư công cấp thành phố là 9.083,7 tỷ đồng, đạt 34,8% kế hoạch; ngân sách cấp huyện là 6.847 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân chung của toàn thành phố không đạt kế hoạch cũng như cam kết của các đơn vị đề ra (40- 45%). Đặc biệt, tại kỳ họp giữa năm 2023, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh dự kiến là 53.105,3 tỷ đồng, tăng 6.159 tỷ đồng so với đầu năm.

Điều này có nghĩa, để đạt được kết quả giải ngân cả năm 2023 trên 95%, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 (đến hết 31/1/2024) phải đạt 50.450 tỷ đồng.

Như vậy, trong các tháng còn lại của năm 2023, thành phố phải giải ngân thêm 34.519 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần 6 tháng đầu năm 2023. Để đạt được kết quả giải ngân như trên, thành phố phải quyết liệt giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh tiến độ của dự án, thúc đẩy công tác giải ngân.

Bên cạnh một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân khá cao: Tây Hồ (78,7%); Mỹ Đức (77,6%), Long Biên (63%)..., vẫn còn nhiều đơn vị tỷ lệ giải ngân rất thấp: Hoàng Mai (24%), Thanh Xuân (23,2%), Sơn Tây (12,1%), Cầu Giấy (3,6%), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội (0,1%)... Do đó, trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo giải ngân; tập hợp các khó khăn, vướng mắc để thực hiện đúng kế hoạch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate