February 08, 2023 | 17:22 GMT+7

Đến năm 2045, Hà Nội hình thành các chùm đô thị bám các tuyến đường vành đai, metro

Ánh Tuyết -

Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hà Nội sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trong đó, chú trọng đầu tư các tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai, các cầu qua sông... Từ đó, hình thành chùm đô thị bám các tuyến đường vành đai, metro...

Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết, một trong tám giải pháp được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chú trọng thực hiện đó là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI, ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Nghị quyết nêu rõ về công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đáng chú ý, "khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống để sắp xếp ổn định dân cư hai bên sông; quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, nội đô lịch sử, trong đó trước mắt nghiên cứu xây dựng thành phố (đô thị loại II) trực thuộc Thủ đô; sớm nghiên cứu xác định và xây dựng quy hoạch phát triển các đô thị có vị trí, chức năng đặc thù, gắn với khu công nghiệp, khu chế xuất, bến cảng, sân bay...", Nghị quyết số 12 nêu rõ.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh hiện đại của Thủ đô; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống với kiến trúc đẹp hiện đại, đặc trưng cho bản sắc và tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội; hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật; cải tạo chỉnh trang, phục hồi hệ thống sông Hồng, phát huy giá trị cảnh quan lịch sử...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, hệ thống đường sắt đô thị trên cao và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các hệ thống giao thông công cộng và loại hình vận tải hành khách công cộng khác; khẩn trương hoàn thành đưa vào vận hành khai thác thương mại các tuyến đường sắt đô thị.

Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng logistics của Hà Nội trở thành điểm trung chuyển để kết nối với các quốc gia, địa phương trong cả nước về đường bộ, đường sắt, hàng không và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, hình thành, xây dựng mô hình dịch vụ logistics điện tử. Quy hoạch và xây dựng hạ tầng số đồng bộ trong quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) và mô hình đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài.

Về xây dựng phát triển và quản lý đô thị, Hà Nội sẽ nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới. Phấn đấu đến năm 2025, có từ 3-5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

 

"Từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm", Nghị quyết số 12 nêu rõ.

Xây dựng hạ tầng đô thị thông minh với ứng dụng mạng lưới kết nối số phục vụ cho quản lý và vận hành đô thị, góp phần xây dựng đô thị thông minh. Xây dựng thương hiệu đô thị để phát huy kinh tế đô thị cho một số khu vực trọng điểm.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược cho phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, quản lý an ninh trật tự đô thị, an toàn giao thông,...; tăng cường kỉ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý chặt chẽ và khai thác hợp lý các không gian công cộng trong phát triển kinh tế khu vực đô thị...

ĐẾN NĂM 2045, GRDP BÌNH QUÂN ĐẠT 36.000 USD

Tại Nghị quyết số 12 cũng đưa ra mục tiêu cụ thể khi đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%.

Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt 75%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%, đến năm 2030 đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate