Phát biểu tại Cuộc họp thúc đẩy giải ngân đầu tư công với 5 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nam ngày 27/5, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải làm rõ nguyên nhân vì sao giải ngân đầu tư công vẫn chậm cho dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt.
“Có phải chúng ta chưa quyết liệt hay do giá nguyên vật liệu tăng cao, giải phóng mặt bằng chậm trễ và chính sách pháp luật còn nhiều vướng mắc”, Bộ trưởng đặt câu hỏi và cho rằng phải nhanh chóng tìm được điểm nghẽn ở đâu, chỗ nào, cấp nào để có giải pháp đưa vốn vào nền kinh tế.
3/5 ĐỊA PHƯƠNG CÓ TỶ LỆ GIẢI NGÂN DƯỚI 15%
Báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công của 5 địa phương của Tổ công tác số 5 cho thấy, không chỉ chưa phân bổ hết vốn đầu tư, mà giải ngân vốn đầu tư công của cả 5 địa phương đều chậm.
Cụ thể, tổng số vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 5 địa phương là 27.962 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.400 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là trên 5.561 tỷ đồng.
Đến nay, số vốn đã được địa phương phân bổ chi tiết là trên 30.448 tỷ đồng. Trong đó, 3/5 địa phương giao cao hơn số vốn Thủ tướng Chính phủ giao là Bắc Ninh (vượt 875 tỷ đồng), Đà Nẵng (vượt 1.367 tỷ đồng); Quảng Nam (vượt 288 tỷ đồng) do các địa phương giao tăng từ nguồn thu sử dụng đất và các khoản thu khác. Trong khi đó, số vốn còn lại chưa được phân bổ chi tiết 676 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là tình hình giải ngân vốn của các địa phương này còn rất chậm. Theo số liệu báo cáo của 5 địa phương, tổng số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo (04/5/2022) là 4.327 tỷ đồng, đạt 14,2 % kế hoạch địa phương giao lại và đạt 15,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn bình quân của cả nước là 16,36% (thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 đạt 17,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, 3/5 địa phương (Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng) có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%. Có 4/5 địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA hoặc giải ngân với tỉ lệ rất thấp (tỉnh Quảng Nam đạt 1,9%).
“Như vậy, tỷ lệ giải ngân của 5 địa phương còn thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
VẪN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Chia sẻ về con số giải ngân đạt 15,2% kế hoạch vốn Thủ tướng chính phủ giao, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết nhiều khó khăn, vướng mắc đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ở những dự án có quy mô liên kết vùng.
“Như tại Bắc Ninh có dự án cầu Kênh Vàng kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh- Hải Dương có quy mô thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; dự án trước khi triển khai phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thoả thuận, cấp phép theo quy định của Luật Đê điều”, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Theo đó, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phải qua nhiều bước lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án.
Không chỉ vậy, theo bà Giang, việc giá sắt thép, xi măng leo thang trong thời gian gần đây cũng ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án đầu tư công. Càng làm càng lỗ nên nhà thầu có tầm lý “chờ” để bù giá.
“Cộng thêm vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, dự án giao thông có nhà dân, địa phương phải tìm chỗ khác để làm khu tái định cư nên mất rất nhiều thời gian”, bà Giang chia sẻ.
Còn theo ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, một trong những lý do khiến tỷ lệ giải ngân của tỉnh mới đạt 13,67% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao là năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian.
“Mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Vì thế, đến lúc dự án hoàn thành trình tự thủ tục thì cũng mất đến cả trăm ngày”, ông Huy cho biết.
Thêm vào đó, theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, việc chưa có những quy định cụ thể cũng là lý do khiến dự án đầu tư công bị chậm tiến độ.
“Đơn cử như tại Hà Nam có Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công năm 2019 lại chưa có quy định đối với các dự án đang thực hiện thì cấp nào sẽ thực hiện điều chỉnh chủ trương. Điều này dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư”, ông Huy dẫn chứng.
Ngoài ra, theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, giải ngân đầu tư công chậm còn xuất phát từ sự chậm trễ, chưa tích cực của các chủ đầu tư.
“Nhiều dự án đã hoàn công, đưa vào hoạt động nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục giải ngân”, ông Hùng cho biết.
Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ, thời gian tới Hải Dương sẽ sát sao hơn trong công tác điều hành, thường xuyên nhắc nhở cũng như chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.
THÁO GỠ “ĐIỂM NGHẼN” TRONG GIẢI NGÂN
Phản hồi ý kiến được các địa phương nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh không chỉ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm, các địa phương cần sát sao cả phần vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Bởi theo Bộ trưởng, Đảng, Chính phủ rất sốt ruột vì giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
“Những tháng đầu năm giải ngân vẫn thấp nên Chính phủ rất quan tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vẫn cần sự chủ động tích cực của các địa phương trong việc bám sát nhiệm vụ và kế hoạch giải ngân vốn.
Đồng tình với những yếu tố khách quan được các địa phương nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
“Chúng ta chưa quyết liệt, chưa tập trung, chưa nghiêm túc nên giải ngân mới chậm. Vì sao trong cùng một điều kiện, thể chế như nhau nhưng có địa phương giải ngân tốt, có mô hình và cách làm hay nhưng địa phương khác lại không”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định hiện không còn vướng mắc về Luật đầu tư công. Những vấn đề trước đây như giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, phân cấp phân quyền... thì hiện nay giao vốn chỉ một lần, quy trình thủ tục cũng đã rõ hết.
Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, đồng thời rà soát các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên, hải quan… để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ ngành khác để có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công khi giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao như trong thời gian vừa qua.
Đối với các UBND tỉnh thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần tiếp tục duy trì hoặc thành lập mới Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý “ điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, động lực.
“Theo đó, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể tiến độ giải ngân tới từng dự án, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, đảm bảo tiến độ đề ra, kiểm soát chất lượng dự án, công trình, điều chuyển vốn sang dự án có hiệu quả giải ngân tốt, điều chuyển cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật kỷ cương. Nếu có giải pháp mạnh thì sẽ có kết quả tích cực hơn, nếu không sẽ chậm thay đổi”, Bộ trưởng nói.