Bộ Tài chính vừa có văn bản số 3720 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, dù đến cuối tháng 4 nhưng vẫn còn 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
TRÊN 40.000 TỶ ĐỒNG CHỜ 39 BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VÀ 42 ĐỊA PHƯƠNG PHÂN BỔ
Theo đó, tổng số vốn đã phân bổ là 519.838,827 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (518.105,895 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 41.994,149 tỷ đồng, đạt 104,50% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng là 41.994,149 tỷ động, thì tổng số vốn đã phân bổ là 477.844.678 tỷ đồng, đạt 92,23% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Đáng lưu ý, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 40.261,217 tỷ đồng, chiếm 7,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 39.385,422 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 875,795 tỷ đồng. Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao, trên 50% như Thanh tra Chính phủ (84,92%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%), Bộ Y tế (60,31%), Bộ Tư pháp (54,04%).
Cụ thể hơn, Bộ Tài chính cho biết, đối với các bộ, cơ quan trung ương, số vốn chưa phân bổ là 9.931,299 tỷ đồng, chiếm 8,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Với các địa phương, số vốn chưa phân bổ là 30.329,918 tỷ đồng, chiếm 7,44% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chỉ rõ nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho hay, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, có 12/51 Bộ và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này vẫn chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 38/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.
Tuy nhiên, “bên cạnh đó vẫn còn 16/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau”, Bộ Tài chính lý giải.
THIẾU QUYẾT LIỆT, 17 BỘ, NGÀNH GIẢI NGÂN BẰNG 0
Liên quan đến tiến độ giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch là 567.318,055 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 là 7.218,011 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2022 là 560.100,044 tỷ đồng (không bao gồm 24.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao).
Ước thanh toán kế hoạch vốn năm 2022 từ đầu năm đến hết ngày 30/4 là 95.981,27 tỷ đồng, đạt 16,92% kế hoạch.
Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 256,78 tỷ đồng, đạt 3,56% kế hoạch.
Như vậy, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/4 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 17,09% kế hoạch, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2021 đạt 16,94% kế hoạch và đạt 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 94.592,89 tỷ đồng, đạt 18,01% kế hoạch và đạt 19,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 1.131,61 tỷ đồng, đạt 3,25% kế hoạch.
Trong đó, vốn trong nước đạt 19,57% (cùng kỳ năm 2021 đạt 20,74%), vốn nước ngoài đạt 3,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 2,02%).
Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho hay, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%).
Đáng biểu dương, có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%.
Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triên (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%)
Tuy nhiên, có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó, có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Phân tích nguyên nhân tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 3 tháng và ước 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp, Bộ Tài chính cho rằng, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công.
"Do cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân cao, bên cạnh đó có đến 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân", Bộ Tài chính nêu rõ.
Cùng với đó, các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn; đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng thời gian vừa qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế.
Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, một số dự án sử dụng vốn vay, vốn nhà tài trợ giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi, quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến của nhà tài trợ. Một số dự án đang trong quá trình tổng hợp danh mục thiết bị từ dự án thành phần để chuẩn bị thủ tục đấu thầu quốc tế.
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn mãi điệp khúc "ì ạch" nhiều năm qua do 2 vướng mắc chính.
Thứ nhất, chạy xếp hạng. Các bộ, địa phương chạy đua đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công nhưng khi có tiền mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc, dẫn đến chậm chạp trong phân bổ vốn cho dự án.
Thứ hai, vướng mắc lớn nhất là trong khi nhiều địa phương mạnh dạn, quyết liệt trong triển khai thì còn nhiều địa phương rất e ngại khi thực hiện.
Những năm gần đây, nhiều sai phạm liên quan đến những người quản lý. Vì vậy, nhiều lãnh đạo chọn cách an toàn, chờ đợi ý kiến cấp trên, không dám quyết định năng động, sáng tạo vì sợ gây hoạ.
"Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, phải dám chịu trách nhiệm, quyết định mới thúc đẩy được giải ngân đầu tư công", ông Cường khẳng định.
THÁO NÚT THẮT, RỐT RÁO ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN
Để đẩy nhanh đầu tư công, ông Hoàng Văn Cường cho hay, ngay kỳ họp bất thường đầu năm, Quốc hội sửa một số điểm trong quản lý vốn đầu tư dự án ODA. Theo đó, khi thay đổi liên quan đến nội dung dự án, không cần quay về cơ quan phê duyệt dự án ban đầu để điều chỉnh, mà ủy quyền cho các bộ, ngành, các địa phương tự phê duyệt điều chỉnh, tháo nút thắt giải ngân ODA. Thậm chí, một số dự án nằm trong chương trình phục hồi không cần đấu thấu, để cắt giảm thời gian.
Dù vậy, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 vẫn chậm hơn so với kế hoạch, trong đó, giải ngân vốn đầu tư ODA cũng đạt rất thấp.
Ráo riết đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 307/QĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại công điện số 126/QĐ- TTg ngày 12/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; công văn số 1684/VPCP-KTTH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022...
Đồng thời, "thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công", Bộ Tài chính yêu cầu.
CẦN CƠ CHẾ ĐẶT HÀNG, TƯ NHÂN GÓP SỨC ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
"Việt Nam có một nghịch lý. Trong khi thiếu thốn các công trình hạ tầng, vốn đầu tư cũng rất khó khăn, thế nhưng hầu như vốn đầu tư công chưa năm nào tiêu hết, tức có tiền lại không tiêu. Cùng với đó, có một bệnh lý khi nhiều địa phương, bộ ngành giải ngân 100% từ rất sớm, nhưng vẫn tồn tại nhiều địa phương, bộ ngành lại tỷ lệ thấp.
Trong năm 2020, 2021, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, quy trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, các địa phương nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch chỉ khoảng 77%. Trong đó, vốn vay nước ngoài giải ngân rất chậm, nhất năm 2021, tính ra tỷ lệ giải ngân ODA khoảng 28%. Còn con số cuối cùng Bộ Tài chính báo cáo lên đến 93% là do sau khi Chính phủ thúc đẩy, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương xin điều chỉnh, điều chuyển, xin trả lại vốn.
Bên cạnh đẩy nhanh vốn đầu tư công, làm sao để đầu tư công trở thành "vốn mồi" thu hút đầu tư tư nhân.
Thời gian qua, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) - “đổi đất lấy hạ tầng” là mảnh đất màu mỡ, dễ dàng thu hút nhà đầu tư tư nhân nhưng lại nảy sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, vì vậy sớm bị khai tử. Trong khi đó, các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) những năm gần đây gần như "đóng băng".
Điển hình, từ chỗ có 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đến nay, chỉ có 3 dự án đầu tư theo hình thức này, còn lại phải sử dụng vốn ngân sách. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng đầu tư công toàn bộ, thay vì triển khai theo hình thức PPP, một phần do thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT các dự án của tuyến cao tốc này giai đoạn trước đó.
Nếu không có phương thức tốt hơn để khai thác các nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ khó để biến đầu tư công thành "vốn mồi". Vì vậy, tôi cho rằng, cần gợi mở cơ chế cho đầu tư tư nhân rõ ràng hơn. Có lẽ cũng cần phải có một cơ chế đặt hàng đối với đầu tư tư nhân.
Chẳng hạn, trong khi Việt Nam phải vay hàng tỷ USD xây đường sắt đô thị, lại phải thuê nhà thầu nước ngoài xây dựng và khi làm xong, phụ thuộc hoàn toàn từ máy móc, thiết bị, con tàu đến con ốc của nước ngoài. Tại sao không vay tiền về đặt hàng cho những tập đoàn tư nhân trong nước, vừa tạo lập thêm một ngành công nghiệp đường sắt, vừa tạo ra một hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ và giúp phát triển các tập đoàn mạnh trong nước?"