Thị trường lao động đã dần hoạt động nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt lao động vẫn tiếp diễn tại một số địa phương, ngành nghề.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết cung – cầu lao động là 2 yếu tố cơ bản góp phần hình thành và phát triển thị trường lao động. Sự biến động của cung, cầu lao động sẽ tức thì dẫn đến biến động của cả thị trường lao động.
Dưới sự tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế và các xu thế lớn khác, hơn lúc nào hết đang tác động mạnh mẽ đến cả cung và cầu lao động.
Theo ông Huy, thời kỳ hậu Covid-19, cung lao động về số lượng đã có sự thay đổi rõ nét. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3/2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 3/2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,5%, thấp hơn 12,6 điểm phần trăm so với nam (75,1%).
Về chất lượng cũng đang có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý 3/2022 là 26,3%. “Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với cung lao động cả về số lượng và chất lượng, khi thiếu hụt lao động cục bộ vẫn đã và đang diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực ngành nghề”, ông Huy thông tin.
Về cầu lao động cũng có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Trong quý 3/2022, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý 32021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Tuy nhiên, sự biến động về cầu lao động đã và đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi nguồn cung lao động thích ứng phù hợp cả về số lượng và chất lượng.
Ông Huy cho rằng, sự biến động về cung và cầu lao động diễn ra là sự tất yếu, theo quy luật khách quan của sự chuyển đổi về kinh tế luôn song hành cùng chuyển đổi của thị trường lao động. “Tuy nhiên, thay vì bị động, chúng ta cần chủ động để nắm bắt, làm chủ được những diễn biến thay đổi của cung và cầu lao động thì mới có thể quản trị, điều tiết được thị trường lao động”, ông Huy nhấn mạnh.
Thiếu hụt lao động cũng được đề cập trong một báo cáo về tình hình thị trường lao động trong năm 2022 của VietnamWorks - Trang tìm kiếm việc làm trực tuyến phát hành hồi tháng 8 năm nay. Khảo sát của đơn vị này cho thấy trong nửa đầu năm 2022 thị trường tuyển dụng vẫn bị mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu. Đặc biệt, tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP. HCM và Hà Nội tăng cao, lần lượt là gần 23% và gần 15%.
Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành dịch vụ – xây dựng/kiến trúc – bất động sản – bán buôn/bán lẻ – nhà hàng/khách sạn/du lịch – công nghệ thông tin – tài chính/kế toán/kiểm toán…
Trong khi đó, trong 6 tháng cuối năm 2022, có đến gần 90% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyển dụng tuỳ theo quy mô và nhu cầu. Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 – 1000 lao động tăng tuyển dụng từ 50% – 60%. Với các doanh nghiệp có quy mô từ 101 – 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10%-40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50% – 60%.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng đưa ra nhận định rằng thời điểm này nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cao hơn so với các tháng trước, vì vậy, việc thiếu hụt lao động là có xảy ra, song chỉ cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt lao động vẫn đang diễn ra được cho là thách thức không nhỏ đối với thị trường lao động để đảm bảo được nguồn cung.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ sẽ giao các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp…