April 19, 2024 | 13:09 GMT+7

Giám đốc của Yuanta: Tôi đã giải ngân 20% và mua thêm nữa, thị trường đang rất hấp dẫn!

Kiều Trang -

VN-Index đã thủng 1.200 về sâu dưới vùng 1.175 điểm, mức giảm thêm nữa không nhiều. Dự trù khả năng rủi ro xấu nhất thị trường sẽ rơi về 1.120-1150 sau đó bật tăng trở lại. Tôi đã bắt đầu mua với tỷ trọng giải ngân 20%, ông Nguyễn Thế Minh nói...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Chưa hết phiên sáng, Vn-Index đã giảm thêm 20 điểm nữa sau những thông tin liên quan đến chiến sự tại khu vực Trung Đông, Israel tấn công ngược lại Iran. Ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo can thiệp tỷ giá bằng phương pháp bán ra USD, bên mua là các tổ chức tín dụng.

Diễn biến thị trường tiếp theo sẽ như thế nào, VnEconomy đã có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về diễn biến thị trường lúc này? 

VN-Index đã thủng 1.200 về sâu dưới vùng 1.175 điểm, mức giảm thêm nữa không nhiều. Dự trù khả năng rủi ro xấu nhất thị trường sẽ rơi về 1.120-1150 sau đó bật tăng trở lại. Tôi đã bắt đầu mua với tỷ trọng giải ngân 20%. 

Giai đoạn tiếp theo cân nhắc mua thăm dò một ít nữa, giải ngân lên 30%, cơ hội tăng nhiều hơn là giảm nhưng giai đoạn này chưa nên dùng margin cho đến khi dự đoán vùng đáy đủ độ hấp dẫn thị trường xác nhận đáy rồi thì dùng margin an toàn hơn. Với những nhà đầu tư mà đang ôm hàng không có áp lực về margin thì cố gắng ôm đừng bán nữa, đây không phải là vùng thích hợp để cắt lỗ, nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán.

Với mức giảm điểm hiện tại thị trường đã phản ánh hết rủi ro địa chính trị chưa, thưa ông? 

Về cơ bản thị trường hiện tại hội tụ nhiều yếu tố xấu đặc biệt về địa chính trị đây là yếu tố mình không dự báo hay lường trước được. Dự phòng căng thẳng khu vực Trung Đông đã phản ánh vào thị trường. Những căng thẳng này khó tránh khỏi, thông thường chu kỳ mỗi năm sẽ có những sự vụ liên quan địa chính trị. Những thông tin này cũng phản ánh nhanh chứ không kéo dài lâu ra giống như chiến sự Nga - Ukaine nổ ra tháng 11 năm ngoái nhưng đầu năm sau thị trường quên hết thì vụ này sẽ diễn ra tương tự như vậy.

Nhưng Israel và Iran ngang tầm với nhau. Các cường quốc như Mỹ và châu Âu sẽ can thiệp sâu hơn. Có thể Mỹ tung ra đòn trừng phạt thì bản thân hai quốc gia cũng phải hạn chế lại, thị trường sớm phản ánh nhanh cho sự kiện này.

Nhìn lại thị trường, rủi ro lớn nhất thời điểm hiện tại chủ yếu là đồng đô và lợi suất trái phiếu. Chỉ số USD về 106 rồi, lợi suất trái phiếu cũng tăng. Tôi kỳ vọng rủi ro địa chính trị sớm kết thúc, giảm áp lực giá dầu tăng thì lạm phát giảm áp lực, có thể đồng đô và lợi suất trái phiếu cũng giảm. Căng thẳng lạm phát năm nay không như giai đoạn 2022 và nửa đầu 2023, lạm phát có thể bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 5-6 lúc đó áp lực đồng đô cũng giảm, đặc biệt đồng đô tiệm cận 106 đây là vùng cản của chỉ số, áp lực điều chỉnh của chỉ số đô gia tăng tại đây. Rủi ro của thị trường chứng khoán đã phản ánh xong, mức chiết khấu đã đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền quay lại.

Sáng nay Ngân hàng Nhà nước đã thông báo có thể bán ra USD để ổn định tỷ giá, thông tin này sẽ tác động thế nào tới thị trường?

Thật ra Ngân hàng Nhà nước năm nay còn dễ thở hơn so với năm trước, chỉ số đô không quá nóng như năm 2022. Năm 2022 lạm phát cao, đồng USD nóng còn năm 2024 áp lực của đồng USD sẽ đỡ hơn. Cái thứ hai, lợi suất trái phiếu của đồng USD không tăng lên, Fed giữ nguyên lãi suất, hai yếu tố này dẫn đến áp lực tỷ giá không quá nóng như 2022. Dù tỷ giá đang tăng nhưng chúng ta phải chấp nhận nó diễn ra theo chu kỳ nhưng cuối năm quay lại mức kiểm soát 3,5%. Hiện tại, SBV có 2 công cụ quan trọng là bán đô và tăng lãi suất. Tăng lãi suất có thể đến tháng 6 khi tín dụng tăng trưởng ổn. Còn mỗi giải pháp bán đô lúc này hợp lý, cuối năm ngoái đến nay chúng ta tăng dự trữ nhờ xuất siêu, năm nay FDI giải ngân tăng lên, cộng các yếu tố đó lại thì đủ sức để bán ra USD.

Thông tin này nếu có hỗ trợ thì chủ yếu giảm áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường, chủ yếu tâm lý thị trường sẽ bớt bi quan. Hiện nay tâm lý nhà đầu tư nhìn cái gì cũng tiêu cực, không ai nhìn vào định giá hấp dẫn.

Tin tích cực nhất hiện nay vẫn là định giá hấp dẫn vì thị trường chiết khấu nhiều rồi, cũng có đã cơ số lượng lớn tiền thoát ra tháng 3-4 và đây là timing nhà đầu tư giải ngân trở lại. Bản chất năm nay dòng tiền không đứng ngoài cuộc chơi lâu mà phải sớm quay lại vì nhiều lý do như lãi suất giảm, bất động sản không đủ hấp dẫn để hút kênh đầu tư. Thời điểm này các doanh nghiệp niêm yết đang mùa đại hội cổ đông cũng là mùa ra kế hoạch trả cổ tức tiền mặt thì càng gia tăng sự hấp dẫn của thị trường.

Số liệu margin bắt đầu hé lộ khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1 đến gần. Khi margin bắt đầu tăng so với đầu năm thì đây có phải là điều đáng ngại?

Margin không phải là vấn đề đáng ngại. Câu chuyện margin quay lại đỉnh cũ nhưng đỉnh cũ của năm 2021-2022 là thời điểm vốn của công ty chứng khoán chưa tăng nhiều, vốn của họ giờ cao chót vót sau đợt tăng vốn ồ ạt rồi, thì margin không phải là điều đáng ngại, một khi nguồn dư thừa thì còn thoải mái. Margin ngoài công ty chứng khoán giờ còn ngân hàng nữa, nhà đầu tư quăng tài sản vào vay ngân hàng lãi suất 6-8% còn rẻ margin,  lãi suất thấp cũng là động lực vay margin từ ngân hàng.

Nhóm nào hấp dẫn trong giai đoạn này, thưa ông?

Dài hạn dịch vụ dầu khí và công nghệ, nhóm này tăng thì không tăng nhiều nhưng bền và đi lên đều. Ngắn hạn có thể thăm dò nhóm ngân hàng, P/B về độ tương đối rẻ hoặc nhóm chứng khoán năm nay kết quả kinh doanh quý 1 ra cực kỳ tốt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate