January 18, 2023 | 13:48 GMT+7

Giám đốc vùng Gojek ở Indonesia được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam

Phạm Vinh -

Ông Sumit Rathor sẽ làm Tổng Giám đốc Gojek tại Việt Nam với trọng tâm là sự phát triển bền vững trong kinh doanh, tiếp tục tạo ra tác động xã hội tích cực cho hệ sinh thái…

Ngày 18/1/2023, Gojek công bố bổ nhiệm ông Sumit Rathor làm Tổng Giám đốc tại Việt Nam.
Ngày 18/1/2023, Gojek công bố bổ nhiệm ông Sumit Rathor làm Tổng Giám đốc tại Việt Nam.

Ngày 18/1/2023, nền tảng công nghệ đa dịch vụ Gojek công bố bổ nhiệm ông Sumit Rathor làm Tổng Giám đốc tại Việt Nam. Ông Sumit sẽ lãnh đạo chương phát triển tiếp theo của Gojek Việt Nam, với trọng tâm là sự phát triển bền vững trong kinh doanh, đồng thời tiếp tục tạo ra tác động xã hội tích cực cho các khách hàng và đối tác.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạch định chiến lược, vận hành và tài chính, ông Sumit Rathor gia nhập Gojek năm 2019 với vai trò Giám đốc vùng của Gojek tại Indonesia, phụ trách các vùng lãnh thổ Trung và Đông Java Bali.

Ngoài ra, với kiến thức và chuyên môn sâu rộng về tối đa hóa nguồn nhân lực trong các môi trường công nghệ để mang lại giá trị ngày càng tăng cho các đối tác, ông Sumit tới Việt Nam năm 2022 để điều hành hoạt động của ba bộ phận lớn của Gojek là: bộ phận phát triển các đối tác nhà hàng, marketing (tiếp thị), và chiến lược.

Ông Sumit Rathor sẽ tiếp quản công việc của ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam từ năm 2020. Sau gần 5 năm làm việc tại công ty, ông Đức đã quyết định rời vị trí để theo đuổi các thử thách mới. Sau hơn bốn năm dẫn dắt sự phát triển và đổi mới đột phá của Gojek tại Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức quyết định đã đến lúc rời Gojek để theo đuổi sự nghiệp riêng.

Tính tới thời điểm này, tập đoàn GoTo của Indonesia đã giảm 68,5% giá trị, tương đương với 28 tỷ USD sau khi IPO vào tháng 4 năm 2022. Tập đoàn GoTo là công ty mẹ quản lý hai công ty công nghệ lớn nhất Indonesia là: Phần mềm gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia.

GoTo Group là thương vụ hợp tác kinh doanh lớn nhất ở Indonesia cũng như lớn nhất giữa hai công ty dịch vụ truyền thông và Internet ở châu Á cho đến nay. Hệ sinh thái của GoTo Group được cho là chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và sẽ phục vụ 270 triệu người tiêu dùng Indonesia, cũng như các thị trường mới nổi khác ở Đông Nam Á.

Ông Sumit Rathor, tân Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, khẳng định: Việt Nam là một thị trường quan trọng của Gojek. Gojek kỳ vọng sự năng động, nhạy bén kết hợp với am hiểu thị trường, kế thừa những thành tựu đã đạt được cho đến thời điểm này sẽ giúp công ty phát huy tối đa các tiềm năng, xây dựng hoạt động kinh doanh mạnh mẽ hơn, tiếp tục tạo ra tác động tích cực cho tất cả những ai đang đặt niềm tin vào dịch vụ Gojek.

Trong thời gian phụ trách các vùng lãnh thổ tại Indonesia, ông Sumit đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố thị phần của Gojek, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và phục hồi mạnh mẽ xuyên suốt giai đoạn Covid-19. Trước khi gia nhập Gojek, ông Sumit đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong ngành sản xuất toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc tại nhiều thị trường.

 
Gojek được thành lập năm 2010, ban đầu tập trung vào các dịch vụ chuyển phát và gọi xe, trước khi ra mắt ứng dụng vào tháng 1/2015 tại Indonesia. Từ đó đến nay, Gojek phát triển trở thành một nền tảng dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu tại Indonesia, mở rộng hoạt động sang thị trường Singapore và Việt Nam. Gojek hiện đang kết nối hơn 2,6 triệu đối tác tài xế khắp khu vực. Gojek là một phần thuộc Tập đoàn GoTo, hệ sinh thái kỹ thuật số lớn nhất Indonesia, bao gồm Gojek, Tokopedia và GoTo Financial.
Hiện diện ở Việt Nam kể từ năm 2018, Gojek hiện đang kết nối hơn 200.000 tài xế và hàng chục nghìn nhà hàng với hàng triệu người dùng thông qua các dịch vụ bao gồm vận chuyển, giao nhận đồ ăn, và hậu cần. Công ty đang hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và các doanh nghiệp, cửa hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate