November 28, 2023 | 15:51 GMT+7

Giảm năm đóng bảo hiểm thì phải chấp nhận mức lương hưu thấp

Thu Hằng -

Với số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hạ xuống còn 15 năm, dự kiến nhiều lao động sẽ có cơ hội tiếp cận lương hưu, song cũng phải chấp nhận thực tế là thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sẽ giảm đi, thậm chí rất thấp. Vì thế, vẫn cần khuyến khích người lao động tham gia đóng với thời gian dài để có lương hưu cao...

 Hội thảo Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, ngày 28/11.
Hội thảo Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, ngày 28/11.

Thông tin được ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề cập tại Hội thảo Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, ngày 28/11.

KHÓ ĐẠT ĐỦ SỐ NĂM ĐÓNG ĐỂ HƯỞNG MỨC LƯƠNG HƯU TỐI ĐA 

Những vấn đề xoanh quanh nội dung giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hay rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được các chuyên gia bàn thảo.

Đối với vấn đề giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, ông Trần Hải Nam cho hay, dự luật đã nới điều kiện và tiêu chí thụ hưởng lương hưu.

“Trước đây người lao động phải đóng đủ tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu. Trong bối cảnh hiện nay, với tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao thì rõ ràng cơ hội để lao động tích lũy được 20 năm đóng tiếp theo là rất khó khăn", ông Nam nói.

Vì vậy, quy định nhằm tạo cơ hội cho người tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng không tích lũy đủ 20 năm đóng. Đồng thời, cũng khuyến khích người lao động có thời gian đóng dài hơn để được hưởng lương hưu với tỷ lệ cao hơn.

“Hiện phương án trước mắt là đề xuất giảm xuống còn 15 năm, song về lâu dài sẽ tiến tới còn 10 năm. Nhiều quốc gia cũng đã quy định chỉ còn 10 năm đóng đã được hưởng lương hưu”, ông Nam thông tin.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: Nguyễn Sơn.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: Nguyễn Sơn.

Theo ông Nam, với số năm đóng bảo hiểm xã hội giảm xuống sẽ tạo cơ hội cho nhiều người lao động được tiếp cận lương hưu, song cũng phải chấp nhận thực tế là thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sẽ giảm đi, thậm chí rất thấp. Vì thế, vẫn cần khuyến khích người lao động tham gia đóng với thời gian dài hơn.

Luật hiện hành quy định, để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa 75% thì lao động nam phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, với nữ là 30 năm. Vì thế, nhiều người không thể chờ được thời gian đóng để hưởng tối đa, và chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM MỘT LẦN MỖI NĂM TĂNG GẤP ĐÔI SỐ THAM GIA MỚI 

Chia sẻ thêm về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam cho hay, Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đánh giá quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần của Việt Nam hiện nay là khá “mở”, vì thế khó giữ chân người lao động ở lại hệ thống. Và nếu vẫn cho phép rút như hiện nay sẽ đặt ra những vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội lâu dài trong tương lai.

Giảm năm đóng bảo hiểm thì phải chấp nhận mức lương hưu thấp - Ảnh 1

Ông Nam dẫn chứng số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn 2016 – 2022, đã có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, với tốc độ tăng trung bình khoảng 12,3%/năm, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ 5 – 6%.

Theo thời gian đóng, có 67% người hưởng có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% người có từ 10 năm đóng trở lên, nhóm này bình quân 41,87 tuổi. Phần lớn số lao động hưởng thuộc khu vực ngoài nhà nước, chiếm trên 90%. Đáng chú ý, có trên 98% người hưởng là trường hợp sau 1 năm nghỉ việc.

Từ những con số như vậy, ông Nam cho rằng, tới đây, cần kiên quyết hơn trong điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Một mặt cần khuyến khích người lao động tự nguyện ở lại hệ thống và bảo lưu thời gian đóng, hướng đến lương hưu, song cũng cần bổ sung chế độ hấp dẫn, gia tăng các quy định chặt chẽ hơn.

Bảo hiểm xã hội một lần nằm trong chế độ hưu trí, mục đích là dành cho những người lao động không có cơ hội “chạm” được ngưỡng để nhận trợ cấp tuổi già.

Hiện trong chính sách đang quy định các điều kiện để hưởng bảo hiểm một lần như, ra nước ngoài để định cư; người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu; mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Và điều kiện cần hết sức cân nhắc khi sửa luật lần tới theo ông Nam là thời gian chờ hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động (hiện là 12 tháng).

“Quy định sau 12 tháng nghỉ việc để người lao động cân nhắc có hay không việc rút bảo hiểm một lần, song ở khía cạnh nào đó điều kiện này đang thất bại. Bởi phần lớn người lao động thường chủ động nghỉ việc để hưởng bảo hiểm một lần, chứ trong 12 tháng này họ không phải suy nghĩ nữa, đây chỉ là thời gian chờ để hưởng thôi”, ông Nam thừa nhận.

Giảm năm đóng bảo hiểm thì phải chấp nhận mức lương hưu thấp - Ảnh 2

Với hai phương án được đề xuất tại dự thảo, ông Nam cho rằng, phương án 1 có thể tạo ra sự phân biệt là cứng nhắc về mặt thời gian, đối tượng thuộc phương án này khoảng 17 triệu người thì sau khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) họ vẫn có quyền rút.

Còn phương án 2 cho phép tất cả người tham gia đều được rút nhưng tối đa không quá 50% tổng số thời gian đóng, tùy thuộc nhu cầu của cá nhân.

Ông Nam đánh giá, với phương án 2 dù có rút đi một phần để giải quyết những khó khăn trước mắt thì người lao động vẫn còn phần để lại trong hệ thống, có cơ hội quay trở lại tham gia khi sẵn sàng, nhằm hướng đến lương hưu dù có thể thấp vì thời gian đóng ngắn đi.

Mặc dù vậy, phương án này cũng gặp thách thức là với mức lương hưu thấp như vậy sẽ ảnh hướng đến tính hấp dẫn của chính sách.

“Tới đây Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật. Phương án nào cũng cần đồng nhất giữa hai phương án đã đề xuất, hoặc có thêm phương án 3. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào chúng tôi nghĩ rằng cũng cần hướng đến mục tiêu giữ người lao động ở lại hệ thống và để họ có lương hưu nhằm đảm bảo an sinh lâu dài”, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam nói thêm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate