April 10, 2024 | 13:10 GMT+7

Giảm quy mô đầu tư cao tốc Pleiku – Quy Nhơn

Thanh Thủy -

Cao tốc Pleiku – Quy Nhơn được đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151km xuống còn 143km, giảm quy mô vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng so với tính toán ban đầu, bỏ làn dừng khẩn cấp ở các đoạn cầu trên cao tốc…

Cao tốc Pleiku – Quy Nhơn được đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151km xuống còn 143km - Ảnh minh họa.
Cao tốc Pleiku – Quy Nhơn được đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151km xuống còn 143km - Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã báo cáo về việc điều chỉnh phương án đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn từ hình thức hợp tác công tư (PPP) ban đầu sang đầu tư theo hình thức đầu tư công, theo đó sẽ giảm 6.500 tỷ đồng so với tính toán ban đầu.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, cho biết để triển khai các thủ tục liên quan tới dự án, UBND hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã làm việc với Tổng Công ty quản lý vốn vào cuối năm 2023. Kết quả cho thấy, phương án triển khai dự án cao tốc Pleiku  - Quy Nhơn theo hình thức hợp tác công tư (PPP) khó khả thi, nên cần nghiên cứu lại theo hình thức đầu tư công.

Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã tính toán lại, đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151km xuống chỉ còn 143km, bỏ làn dừng khẩn cấp ở các đoạn cầu trên cao tốc. Từ đó, quy mô vốn có thể giảm từ 44.200 tỷ đồng xuống còn hơn 37.600 tỷ đồng, giảm hơn 6.500 tỷ đồng so với tính toán ban đầu.

Hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã trình Ban thường vụ Tỉnh ủy sớm làm việc với tỉnh Bình Định để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi tỉnh Bình Định trả lời, hai tỉnh sẽ làm việc lại với Cục Cao tốc và Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) thống nhất lại về phương án tuyến, quy mô suất đầu tư; sau đó, xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến hoàn thành trước tháng 4/2024.

Trước đó vào tháng 2/2023, UBND tỉnh Gia Lao cũng có quyết định kiện toàn Tổ công tác nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đoạn qua địa bàn tỉnh gồm 12 thành viên do ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh làm tổ trưởng.

Tổ công tác được giao nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu đề xuất phương án, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án; phối hợp làm việc với các đơn vị có liên quan của tỉnh Gia Lai để thống nhất các nội dung về quy mô và phương án đầu tư đồng bộ giữa 2 tỉnh nhằm phát huy lợi thế của tuyến đường cao tốc đi qua, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.

Báo cáo tại hội nghị, theo Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 3.833,84 tỷ đồng, tính đến ngày 26/3/2024, tỉnh mới giải ngân được 196,9 tỷ đồng, đạt 5,1%.

Do đó, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục kéo dài vốn năm 2023 sang năm 2024 theo quy định của Luật Đầu tư công và đôn đốc triển khai các thủ tục đầu tư đối với các dự án chưa giao vốn năm 2024; đôn đốc tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024.

 

Trong quý 1/2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Gia Lai ước đạt 2,58% (trong đó, khu vực nông – lâm - thủy sản tăng 3,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,83%; khu vực dịch vụ tăng 2,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 6,5%). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước tính 8.093 tỷ đồng, đạt 23,12% kế hoạch, tăng 9,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính 35.384 tỷ đồng, đạt 28,77% kế hoạch, tăng 23,31%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 306 triệu USD, đạt 40,8% kế hoạch, tăng 16,35%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate