Tại các điểm bán vàng, trong dòng người xếp hàng đứng ngồi chờ đợi, có người đi mua, có người được thuê xếp hàng hộ với giá 500 nghìn đồng/suất. Nguyễn Văn H. là nhân viên tập sự ở chi nhánh 1 ngân hàng trong nhóm “big4”, ngoài công việc, cậu tranh thủ xếp hàng hộ mua vàng ở các điểm bán với giá 500 nghìn đồng mỗi suất. Nhiều người đặt vấn đề nhưng H. chỉ nhận lời vài người.
CHỢ VÀNG TRAO TAY
Xếp hàng hộ không phải bây giờ mới có mà xuất hiện từ ngày đầu tiên thực hiện cơ chế bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại và SJC (3/6). Hôm đó, ở điểm bán Vietcombank (Hà Nội), có trường hợp xếp hàng hộ mua cho người khác, đến lượt người sau thì dừng bán nên nảy sinh cãi cọ. Về lý, ngân hàng và SJC không biết ai xếp hàng mua hộ, ai mua thực sự để từ chối nên đến lượt là phải cấp số mua.
Hơn 2 tuần thực hiện cơ chế bán vàng tại 4 ngân hàng thương mại và SJC, thị trường và giới phân tích thừa nhận nhiệm vụ kéo sát giá vàng trong nước và thế giới mà Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đã đạt mục tiêu.
Cập nhật ngày 20/6/2024, giá vàng ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, đứng im 10 phiên liên tiếp. So với mức đỉnh 92,2 triệu đồng/lượng (10/5/2024), giá vàng giảm tới 15,2 triệu đồng/lượng và so với giá thế giới quy đổi (đã bao gồm thuế phí, bảo hiểm, vận chuyển, tỷ giá thị trường tự do) thì giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới chỉ 3,25 triệu đồng/lượng. Nhưng có vẻ như mốc giá tại 5 đơn vị bình ổn đưa ra không hoàn toàn đại diện cho thị trường.
Quan sát hiện tượng này, một chuyên gia cho rằng, khi các kênh đầu tư đình trệ, lãi suất tiết kiệm thấp thì vàng không chỉ là đầu tư, đầu cơ, vịnh tránh bão mà trở thành chợ hàng hóa thông thường, bất cứ ai cũng có thể tham gia để kiếm lời.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, xuất hiện tình trạng mua bán trao tay vàng miếng các loại, phổ biến là SJC trên các hội, nhóm nền tảng xã hội như “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian”, “Diễn đàn vàng Việt Nam”, “Giá vàng SJC tại Hà Nội”…
Tại đây, giá bán được rao phổ biến 79 – 80 triệu đồng/lượng, thậm chí 81,9 - 82 triệu đồng/lượng, cao hơn giá ở 5 đơn vị bình ổn từ 2 triệu đồng/lượng trở lên. Phương thức mua bán rất đơn giản, khi nhận được rao trên nhóm, hội, người mua, bán chủ động nhắn tin riêng chốt giá và khi giao vàng, nhận tiền sẽ đến các điểm bán vàng nhờ xác nhận. Thậm chí, có cả rao suất xếp hàng hộ, từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/suất mua.
Lãnh đạo chi nhánh một ngân hàng có điểm bán vàng cho biết, nếu xét về bài toán chi phí, lợi nhuận thì… không đâu vào đâu, bởi chênh lệch đầu vào, đầu ra mỗi lượng chỉ 1 triệu đồng. Mỗi ngày, một ngân hàng bán 1 – 2 tạ vàng thì chi phí vận hành gần ngốn sạch khoản chênh lệch đó.
Chưa kể, những ngân hàng nhóm “big4” hầu hết là phân khúc trung bình khá trở lên, khách giao dịch sang trọng, trong khi khách mua vàng trộn lẫn không ít lao động tự do, quần áo nhếch nhác, ồn ào, không ngại văng tục, ảnh hưởng hoạt động các nghiệp vụ khác và gây phản cảm.
BÁN VÀNG ĐẾN BAO GIỜ?
Thực tế nêu trên cho thấy, suy luận khi giá vàng trong nước sát giá thế giới thì người dân “bớt yêu vàng” không hoàn toàn đúng, thay vào đó, một khi cầu vẫn lớn, sẽ hình thành chợ thứ cấp với mặt bằng giá cao hơn so với giá “sàn sơ cấp” ở 5 đơn vị bán bình ổn như đã thấy.
Vậy thì, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng đến bao giờ?
Qua số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, dung lượng thị trường vàng miếng năm 2023, bao gồm mua và bán là 55 tấn, tương đương 4 tỷ USD. Với quy mô dự trữ trên 100 tỷ USD, mỗi năm chỉ cần 3 – 4 tỷ USD để nhập khẩu thì cơn khát vàng sẽ được giải tỏa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kể cả khi Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn không thiếu vàng nhưng việc kéo dài bán vàng như vừa qua là không phù hợp vì hai lý do.
Thứ nhất, chức năng của ngân hàng trung ương theo thông lệ thế giới không phải là đơn vị bán vàng cho thị trường. Việc hàng ngày 4 ngân hàng thương mại và SJC “cắp rổ” lên Ngân hàng Nhà nước mua mấy yến vàng SJC về bán lại cho người mua, rồi Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng giao SJC dập thành miếng cung ứng ra thị trường theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP chỉ là giải quyết tình thế của 12 năm trước.
Trước năm 2011, ngân hàng được phép huy động, cho vay vàng, người dân mua bán nhà phần lớn giao dịch bằng vàng, đã đưa vàng trở thành phương tiện thanh toán lúc đó. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát mà khởi đầu từ Mỹ, giá vàng đảo chiều và tăng cao.
Nhiều ngân hàng trót bán vàng huy động (lúc giá thấp) của người dân nay đến hạn trả nợ đều chao đảo thanh khoản; trong đó có 4 – 5 ngân hàng cổ phần duy trì cơ cấu vàng chiếm tỷ trọng lớn trên bảng cân đối tài sản bị nặng nhất. Cùng thời điểm đó, vàng còn ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VND và tác động mạnh đến lạm phát. Trong hoàn cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
Theo ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sự ra đời của nghị định này nhằm giải quyết nhiều vấn đề nhưng trọng tâm là Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, quốc gia hóa thương hiệu vàng miếng SJC mà đích đến là cung ứng, giải quyết thanh khoản vàng cho các ngân hàng. Trong giai đoạn này, một số chuyên gia ước tính Ngân hàng Nhà nước đã nhập khẩu khoảng 74 – 75 tấn vàng nguyên liệu, sau đó là khoảng thời gian 10 năm Ngân hàng Nhà nước không cấp quota nhập khẩu vàng.
Cũng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, các ngân hàng chấm dứt nghiệp vụ huy động cho vay vàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép cho khoảng vài chục điểm mua/bán vàng miếng. Quyết sách trên đã củng cố thanh khoản cho các ngân hàng thương mại; đồng thời, đẩy vàng ra khỏi các giao dịch kinh tế, giữ ổn định lạm phát và tỷ giá.
Thứ hai, khác với điểm tiêu dùng cuối cùng của các loại hàng hóa khác, mặc dù vàng có tính thanh khoản cao nhưng đến khâu tiêu dùng cuối cùng lại là cất trữ. Vì thế, nguồn lực này không góp mặt trong quá trình chu chuyển vốn của nền kinh tế. Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng lại tiêu tốn một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Một điều nữa, hàng năm, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 18 – 20 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn là từ lực lượng xuất khẩu lao động. Nếu nói rằng, Việt Nam có lợi thế về nhân lực vàng trong độ tuổi lao động thì điều này chỉ đúng với 10 – 15 năm trước.
Trên các cánh đồng ở khu vực nông thôn hiện nay, rất hiếm gặp nam giới dưới 35 tuổi. Những con người tha hương gửi lại thanh xuân nơi đất khách quê người, tiết kiệm từng đồng ngoại tệ gửi về gia đình; qua đó, bổ sung nguồn ngoại tệ cho thị trường và một phần trong đó chảy vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, lá chắn cuối cùng bảo vệ tỷ giá, việc lấy dự trữ ngoại hối nhập khẩu vàng cung ứng cho người dân và đích đến là két sắt không chỉ là câu chuyện nguyên lý vận hành của dòng tiền mà còn là đạo lý.
NỐI LIỀN NHỮNG MẢNH GHÉP RỜI RẠC TRONG QUẢN LÝ
Đặt vấn đề “Ngân hàng Nhà nước bán vàng đến bao giờ” vào lúc này có thể hơi sớm, nhất là khi dư âm giải tỏa cơn khát vàng vẫn còn hân hoan, song câu chuyện quản lý thị trường vàng lại cần một tầm nhìn dài hạn...
Một chuyên gia cho rằng ở bối cảnh hiện nay mà Ngân hàng Nhà nước cứ tiếp tục xét cho ngân hàng này, ngân hàng kia mua mấy yến vàng là không phù hợp vì vừa không tổ chức được thị trường, vừa không đủ nhân lực, chưa nói là trái thông lệ thế giới.
Vì vậy, phải tìm phương thức quản lý thị trường vàng một cách phù hợp. Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng phải theo hướng như vậy.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam nên tổ chức sàn vàng vật chất do Nhà nước kiểm soát. Theo đó, sàn do các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ vốn, là tổ chức duy nhất được phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu về để bán trên sàn, các doanh nghiệp tư nhân có thể mua, bán, nhận nguồn hàng ở mức giá phù hợp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu. Như vậy, Nhà nước vừa kiểm soát thị trường, vừa thu được thuế. Lúc đó, thương hiệu vàng SJC cũng nên tách bạch để họ hoạt động theo thị trường như các thương hiệu vàng khác.
Vấn đề tiếp theo, khi coi vàng là hàng hóa đặc biệt thì phải duy trì cơ chế vận hành từ khâu sản xuất, kinh doanh đến khung khổ quản lý như quy định về chất lượng, mẫu mã nhãn hàng thương phẩm, hóa đơn chứng từ, thuế… như bất kỳ hàng hóa nào.
Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cũng phải “phân vai” đối với từng bộ, ngành một cách cụ thể. Chẳng hạn, điều tiết nguyên liệu liên quan đến ngoại tệ nhập khẩu và phòng chống rửa tiền thì giao Ngân hàng Nhà nước, chính sách thuế giao Bộ Tài chính, chất lượng vàng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, nhãn mác hàng hóa thì Bộ Công Thương, cũng như vai trò của Bộ Công an và chính quyền các địa phương trong chống lũng đoạn thị trường, kinh doanh vàng và ngoại hối trái phép.
Đơn cử với vấn đề thuế, đối với vàng hiện đánh đồng loạt 10% giá trị gia tăng, nghĩa là khi bán sản phẩm có chênh lệch thì nộp 10% trên số chênh lệch và thuế thu nhập doanh nghiệp, chẳng hạn, mua 8 đồng, bán 10 đồng thì nộp thuế 10% của 2 đồng. Song, với giao dịch trao tay thì Nhà nước không thu được thuế. Các chuyên gia đều nhất trí để kiểm soát thị trường vàng, thuế là công cụ hiệu quả nhất làm cho người dân “bớt yêu vàng”.
Với cách tiếp cận này, nhìn lại hoạt động quản lý thị trường vàng hiện nay, gần như Ngân hàng Nhà nước đơn thương độc mã, mỗi khi vàng lên cơn sốt là mặc định lấy ngoại tệ nhập khẩu tăng cung. Theo các chuyên gia, vàng là thứ hàng hóa đặc biệt. Sự đặc biệt ở chỗ vàng không phải mặt hàng thiết yếu nhưng xa xỉ, luôn là “ngựa bất kham” đối với ổn định lạm phát, tỷ giá và cân đối vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đình trệ và các kênh đầu tư khác rủi ro.
Bởi vậy, để quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả, cần có hẳn đề án tổng thể tầm cỡ quốc gia. Đó là một tập hợp những mảnh ghép quản lý được gắn kết và phân công nhiệm vụ rõ ràng nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là thị trường vận hành thông suốt; nguồn tài chính cho thị trường phải từ thị trường chứ không dựa vào dự trữ ngoại hối quốc gia, trở thành một phần trong chu chuyển dòng vốn của nền kinh tế; chính sách thuế hiệu quả với ngân sách; ngăn chặn buôn lậu; phòng chống rửa tiền và hướng tới tâm lý “chán vàng” trong đời sống xã hội.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/06/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam