Tuần vừa rồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm dừng việc tăng lãi suất sau 10 đợt tăng liên tiếp để chống lại lạm phát chạm ngưỡng cao nhất hơn 40 năm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vào mùa hè năm ngoái.
Chủ tịch Fed Jerome Powell giải thích rằng việc tạm dừng tăng lãi suất sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thêm thời gian để đánh giá tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế cho đến nay. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất lên cao hơn tại các cuộc họp trong tương lai.
“Lãi suất có thể tăng cao hơn nhưng với tốc độ vừa phải hơn,” ông Powell cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, sau khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày.
Sự tạm dừng mới nhất của Fed tương đồng với chính sách “dừng và đi” đã trở nên nổi tiếng của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới trong những năm 1970 và 1980, khi Fed dao động giữa việc tăng lãi suất để giảm lạm phát và dừng tăng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, sự lưỡng lự khiến Fed không đạt được mục tiêu nào trong số hai mục tiêu như vậy.
“Mỗi khi Fed nới lỏng lãi suất, lạm phát lại tăng lên”, ông Michael Bordo, giáo sư kinh tế kiêm Giám đốc Trung tâm Lịch sử tiền tệ và tài chính tại Đại học Rutgers, nói về giai đoạn thập niên 1970-1980. Sau đó, khi thắt chặt lãi suất trở lại, Fed đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái - ông Bordo nhìn lại. Trong cả hai hành động đó, sai lầm của Fed nằm ở việc đã “ra tay” quá sớm trước khi hoàn thành công việc cần thiết.
Có phải Fed hiện tại không rút ra được bài học từ lịch sử? Và nếu đúng là như vậy, liệu người Mỹ có phải trả giá? Đó là những câu hỏi được giới chuyên gia kinh tế đặt ra lúc này.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed hiện nay không phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan cực điểm mà ông Paul Volcker phải đối mặt trong thời gian ông giữ cương vị Chủ tịch Fed từ năm 1979 đến 1987. Đó là khoảng thời gian mà có những thời điểm lạm phát ở Mỹ cao ngất ngưởng trong khi tăng trưởng trì trệ. Hiện nay, lạm phát ở Mỹ đã giảm nhiệt trong khi tăng trưởng và thị trường việc làm duy trì khá vững trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt.
Ngoài ra, “Fed dường như quyết tâm tránh sai lầm của những năm 1970 là nới lỏng quá ngay nhanh khi lạm phát giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng” - theo ông Donald Kohn, người từng giữ vị trí Phó chủ tịch Fed và bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà kinh tế học tại Fed vào năm 1970.
“Việc tạm dừng tăng lãi suất của Fed ‘chưa chắc sẽ gây ra tác động bất lợi về lạm phát’. Điều đó còn phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo”, ông Kohn nói.
Mục tiêu chính của Fed là đưa lạm phát về mức 2% vẫn chưa trở thành hiện thực. Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 được Bộ Lao động Mỹ công bố mới đây, lạm phát ở nước này hiện vẫn đang cao gấp đôi mục tiêu của Fed. Tuy nhiên, đó đã là một bước tiến lớn so với tháng 6 năm ngoái, khi lạm phát hàng năm lập đỉnh trên 9%.
Trong cuộc họp báo vào tuần trước, ông Powell đã cố gắng truyền đạt tới giới truyền thông rằng Fed vẫn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát 2% bất chấp việc tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng ông Bordo cho rằng việc tạm dừng sẽ khiến Fed khó đạt được điều đó.
“Càng để lâu, Fed sẽ càng phải thắt chặt nhiều hơn để giảm lạm phát”, ông Bordo nói với CNN Theo quan điểm của vị chuyên gia, đó là bởi khi Fed tạm dừng tăng lãi suất, lạm phát nhân cơ hội đó có thể trở nên “cứng đầu” hơn và khó kiểm soát hơn khi Fed tăng lãi suất trở lại.
“Lẽ ra Fed nên tiếp tục tăng lãi suất”, ông Bordo nói.
Ở một góc nhìn khác, ông George Selgin - một thành viên cao cấp tại viện nghiên cứu Cato Institute - cho rằng việc tạm dừng lãi suất là “chính đáng” và sẽ không khiến tỷ lệ lạm phát “đột ngột tăng cao”. Nhưng đồng thời, Fed có thể cũng nhận thấy rằng lạm phát sẽ không tiếp tục giảm thêm nếu không tăng lãi suất thêm - ông Selgin nói.
“Tôi nghĩ đó là một chiến lược khôn khéo. Cách làm này không hẳn là lý tưởng, nhưng không có lựa chọn lý tưởng nào ở đây cả”, ông nhận định.