Christian Armbruester, người sáng lập Blu Family Office - một công ty đầu tư cho các khách hàng giàu có - đã đầu tư Bitcoin từ vài năm trước. Sau các đợt tăng mạnh của đồng Bitcoin năm nay, Armbruester giờ đây đang tập trung vào đầu tư tiền kỹ thuật số và xem đây như một tài sản giúp đa dạng danh mục đầu tư.
"Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực vô cùng hấp dẫn này", Armbruester cho biết. Ông hiện đang quản lý khoảng 670 triệu USD tài sản cho Blu Family Office, bao gồm cả tài sản cá nhân của mình.
LÀN SÓNG ĐẦU TƯ TIỀN ẢO CỦA GIỚI GIÀU
Theo Bloomberg, không chỉ Armbruester, nhiều người giàu khác cũng đang đổ xô đầu tư Bitcoin. Tỷ phú truyền thông Ricardo Salinas Pliego mới đây chia sẻ trên Twitter rằng ông đã đầu tư 10% tài sản thanh khoản của mình vào Bitcoin. Các huyền thoại Phố Wall như Stanley Druckenmiller, Paul Tudor Jones và Bill Miller cũng ủng hộ việc mua Bitcoin.
Tháng trước, trong một video xuất hiện trên CNBC, Rick Rieder - giám đốc một quỹ đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn - dự báo Bitcoin "sẽ được chấp nhận rộng rãi". Video này đã nhận được gần 900.000 lượt xem trên Twitter - con số lớn hơn nhiều so với những video trước đây của Rieder về Covid-19 hay chính sách tiền tệ.
"Những điều này cho thấy Bitcoin đã thu hút sự quan tâm lớn và cả trí tưởng tượng của nhiều người", Larry Fink, CEO của công ty quản lý tài sản khổng lồ BlackRock Inc. và cũng là "sếp" của Rieder, nhận xét tại một cuộc hội thảo hôm 1/12. "Tuy nhiên, tiền ảo vẫn là một thị trường chưa được kiểm chứng và tương đối nhỏ so với các thị trường khác".
Trong lần giá tăng vọt gần đây nhất của Bitcoin vào năm 2017, hầu hết nhà đầu tư giàu có đứng ngoài cuộc. Khi đó, Bitcoin được xem là công cụ rửa tiền trong thế giới ngầm kỹ thuật số và khiến nhiều người trong giới tài chính truyền thống e ngại. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett thậm chí gọi Bitcoin là "sự ảo tưởng", còn Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, gọi đây là "trò lừa đảo".
Từ đó đến nay, Bitcoin vẫn chưa chứng minh được nó có thể thực sự trở thành một dạng tiền phổ thông được chấp nhận trên toàn thế giới. Hơn nữa, tiền kỹ thuật số hiện được giao dịch trên một thị trường được cho là mơ hồ, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự đầu cơ và công nghệ phức tạp hơn là những nguyên tắc cơ bản như ở cổ phiếu, trái phiếu hoặc hàng hóa.
Dù vậy, giới đầu tư giàu có vẫn đang xem xét Bitcoin một cách nghiêm túc, nhất là khi tiền ảo này được những công ty tài chính truyền thống có sức ảnh hưởng như PayPal Holdings Inc. và Visa Inc. chấp nhận. Cả PayPal và Visa đều đã cho phép người dùng giao dịch tiền ảo. Tiếp đến, hàng loạt chính phủ tung ra các gói kích thích kinh tế, các ngân hàng trung ương hạ lãi suất xuống mức gần 0% để ứng phó với đại dịch Covid-19. Làn sóng nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa trên quy mô lớn này càng làm tiền ảo nổi lên nhưng tài sản đầu tư thay thế cho các loại tài sản khác.
THAY ĐỔI CÁI NHÌN VỀ TIỀN ẢO
"Có thể nói rằng dịch Covid-19, bầu cử Mỹ, Brexit và toàn bộ năm 2020 đã làm thay đổi quan điểm của nhiều người trong giới tài chính truyền thống về giá trị của tiền số", Kevin Murcko - người sáng lập, CEO của sàn giao dịch tiền ảo CoinMetro, có trụ sở tại Estonia, nhận xét.
Dù chưa biết điều này sẽ kéo dài bao lâu, các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co. cho biết xuất hiện làn sóng nhà đầu tư đang rút tiền khỏi các quỹ vàng cùng thời điểm Bitcoin giành được sự ưa chuộng của nhiều tổ chức. Theo báo cáo tuần trước của JPMorgan, từ tháng 10 đến nay, Grayscale Bitcoin Trust - công ty đầu tư Bitcoin - đã nhận được 2 tỷ USD, trong khi các quỹ ETF vàng bị rút đi 7 tỷ USD.
Theo tính toán của các nhà phân tích, Bitcoin hiện chỉ chiếm khoảng 0,18% tài sản của các quỹ đầu tư gia đình, so với 3,3% của các quỹ ETF vàng. Cán cân chỉ cần nhích một chút từ vàng sang tiền kỹ thuật số cũng đồng nghĩa với sự dịch chuyển của hàng tỷ USD.
"Quá trình nhà đầu tư tổ chức chấp nhận Bitcoin chỉ mới bắt đầu", nhóm phân tích JPMorgan Chase, dẫn đầu là Nikolaos Panigirtzoglou, nhận định.
Tania Modic, một nhà đầu tư giàu có tại Nevada (Mỹ) đã đầu tư Bitcoin nhiều năm nay, một phần vì chi phí nắm giữ và lưu trữ ít rắc rối hơn so với vàng vật chất. Tuy nhiên, bà cho rằng những yếu tố về tâm lý và văn hóa cũng khiến nhiều người giàu đổ xô đầu tư tiền ảo.
Trước hết là tâm lý sợ bị lỡ mất cơ hội - còn gọi là hội chứng FOMO. Thứ hai là người trẻ đang đua nhau giao dịch Bitcoin trên các ứng dụng như Robinhood. Giao dịch Bitcoin trên eToro, một sàn phổ biến với nhà đầu tư nghiệp dư tại châu Âu và châu Á, đã gần chạm mốc đỉnh xác lập vào cuối năm 2017. Ngoài ra, số nhà đầu tư nữ trên sàn này đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước.
"Họ đang đua nhau rót tiền vào Bitcoin vì sợ bỏ lỡ cơ hội", Modic, thành viên điều hành của quỹ đầu tư gia đình Western Investments Capital LLC, nhận xét. "Đó là chưa kể tới việc họ còn có các con, cháu hỗ trợ phía sau".