December 27, 2024 | 19:19 GMT+7

Giới giàu Nga tìm cách "lách" trừng phạt để mua hàng xa xỉ

Ngọc Trang -

Các cách “lách” trừng phạt gồm thuê người mua sắm cá nhân, mua từ người bán lại (reseller) và thậm chí mua hàng của dân buôn lậu...

Các thương hiệu xa xỉ tại EU không được phép bán những mặt hàng có giá trị trên 300 euro sang Nga - Ảnh: Getty Images
Các thương hiệu xa xỉ tại EU không được phép bán những mặt hàng có giá trị trên 300 euro sang Nga - Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh Nga đang hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, bao gồm hạn chế bán hàng xa xỉ cho Nga, giới giàu nước này tìm đủ cách để mua được đồ hiệu nhằm theo kịp xu hướng thời trang châu Âu. Các cách “lách” trừng phạt gồm thuê người mua sắm cá nhân, mua từ người bán lại (reseller) và thậm chí mua hàng của dân buôn lậu.

MUA HÀNG QUA "CHỢ ĐEN"

Trên các nền tảng mạng xã hội Instagram và Telegram tại Nga ngập tràn quảng cáo túi xách, quần áo xa xỉ nhãn hiệu phương Tây từ những người bán lại, phục vụ cả các công ty bán lẻ lớn lẫn khách hàng cá nhân tại Nga. Những người này cam kết có “đường” tránh trừng phạt để đưa hàng hiệu từ nước ngoài vào Nga.

Kể từ Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào đầu năm 2022, nhiều nước phương Tây đồng loạt áp đặt trừng phạt với Moscow. Nằm trong các biện pháp trừng phạt của EU, các thương hiệu xa xỉ tại khối này không được phép bán những mặt hàng có giá trị trên 300 euro sang Nga.

Tuy nhiên, giá bình quân của các mặt hàng thời trang cao cấp thường cao hơn nhiều so với giới hạn trên. Do đó, nhiều người Nga buộc phải tìm tới các kênh “chợ đen” để tiếp cận các bộ sưu tập thời gian mới nhất của phương Tây.

Tên Instagram, một tài khoản có tên Lliyenish, với hơn 10.000 người theo dõi trên mạng xã hội, cam kết mua được “mọi thứ bạn cần” từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và châu Âu.

Trang Instagram Lliyenish nói rằng người này có thể mua hàng hiệu từ Dubai và châu Âu.
Trang Instagram Lliyenish nói rằng người này có thể mua hàng hiệu từ Dubai và châu Âu.

Theo dữ liệu hải quan, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đã khiến hoạt động mua bán hàng xa xỉ ở Nga chuyển hướng qua các nước thứ ba không áp đặt trừng phạt. Ví dụ, hồi tháng 9, một lô hàng hơn 400 túi hiệu Bottega Veneta do Italy sản xuất, có giá bình quân 1.800 USD, đã được một đại lý bán lẻ ở Trung Quốc chuyển tới Nga từ Dubai.

Theo các nhà phân tích, một số thương hiệu và nhà nhập khẩu Nga cũng điều chỉnh giá bán để đảm bảo giá các mặt hàng dưới mức hạn chế.

Công ty tư vấn bất động sản bán lẻ IBC Real Estate tại Moscow cho biết khoảng 50% các thương hiệu thời trang thiết kế lớn của phương Tây có mặt ở Nga vào đầu năm 2020 hiện vẫn được bán và các bộ sưu tập mới vẫn liên tục được giới thiệu tại đây.

Kể từ khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực, nhóm người mua hàng trung gian ăn nên làm ra nhờ nhu cầu lớn. Từ một căn hộ ngập túi xách xa xỉ, một người mua hàng trung gian tên Mikhail ở Italy cho biết anh vận chuyển khoảng 10-20 lô hàng sang Nga mỗi tuần và kiếm được tới 6.000 euro mỗi tuần tiền hoa hồng.

“Người Italy không quan tâm lắm. Với chúng tôi, điều quan trọng là bán được hàng và điều gì sẽ xảy ra với hoạt động kinh doanh của mình”, Mikhail chia sẻ.

NGƯỠNG GIÁ MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH

Chia sẻ với tờ Fincial Times, một số quan chức hải quan Latvia cho biết từ đầu năm nay, họ đã từ chối khoảng 60 lô hàng xa xỉ vào Nga, trong đó nhiều lô hàng khai báo giá trị thấp hơn thực tế trên tờ khai hải quan. Các bên trung gian thường cố gắng ngụy trang những lô hàng như vậy thành hàng giao cá nhân bằng cách tháo nhãn mác.

Trên thực tế, các thương hiệu phương Tây có thể phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu nếu sản phẩm của họ xuất hiện trên thị trường Nga, bất kể chúng vào Nga theo con đường nào.

“Để tự vệ, các doanh nghiệp này sẽ phải chứng minh rằng họ không biết gì và không có lý do gì để nghi ngờ rằng hàng hóa của mình sẽ được đưa vào Nga”, ông Gavin Irwin, một luật sư tại Jonathan Laidlaw KC, cho biết.

Trong một số trường hợp, ngưỡng giá là yếu tố mang tính quyết định. Theo phân tích hồ sơ hải quan Nga của Finacial Times, trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, âu phục nam của công ty Italy Canali được vận chuyển tới Nga có giá niêm yết bình quân khoảng 600 euro tại các đơn vị bán buôn. Tuy nhiên, sau khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt, mức giá này được xuống dưới ngưỡng 300 euro. Đây không phải là sự điều chỉnh chiến lược định giá của Canali bởi âu phục của hãng này vận chuyển sang Ấn Độ không có sự thay đổi giá nào.

Khi được hỏi về vấn đề này, một đại diện của Canali nói ràng công ty “tuyệt đối tuân thủ tất cả quy định hiện hành”, đồng thời cho biết quyết định giá cả là “vấn đề tuyệt mật và có tính nhạy cảm thương mại cao” và khẳng định giá sản phẩm của Canali “không giảm với khách hàng Nga”.

“Sự giảm giá nói trên phản ánh rằng khách hàng tại Nga lựa chọn và mua các mặt hàng mà họ có thể mua. Đó là những mặt hàng nằm dưới ngưỡng giá theo quy định và có thể xuất khẩu”, người này cho biết.

Một số bộ âu phục do Canali sản xuất hiện được bày bán tại Tsum, một trung tâm bách hóa lớn tại Moscow, với giá khoảng 170.000 rúp (1.600 euro/1.650 USD).

Âu phục Canali được đăng bán trên trang web của Tsum.
Âu phục Canali được đăng bán trên trang web của Tsum.

Theo bà Ekaterina Nogay, giám đốc bộ phận phân tích của IBC Real Estate, một số thương hiệu phương Tây thậm chí phát hành các bộ sưu tập được định giá riêng để đáp ứng quy định xuất khẩu sang thị trường Nga.

“Bất kỳ một vụ việc công khai lách trừng phạt nào cũng có thể làm giảm sức mạnh của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và giúp Moscow thể hiện rằng họ vẫn có thể tiếp cận những sản phẩm hoàn toàn mới của phương Tây”, bà Yuliia Pavytska, quản lý chương trình trừng phạt tại Đại học Kinh tế Kyiv, nhận xét.

Chia sẻ với tờ Financial Times, một người Nga giấu tên cho biết các biện pháp hạn chế xuất khẩu chỉ có tác động tới những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu giống cô – những người không mua hàng xa xỉ thường xuyên và hiện tại không mua nữa do phí hoa hồng phải trả cho bên trung gian quá cao.

“Người giàu Nga, vốn có thể dễ dàng mua hàng xa xỉ trước đây, hiện vẫn tiếp tục mua được mọi thứ thông qua trung gian. Với họ, không có gì thay đổi cả”, cô cho biết. “Tôi luôn cố gắng làm việc chăm chỉ hơn để đủ tiền mua những món đồ xa xỉ này. Nhưng cuộc chiến đang khiến tôi cảm thấy mình không còn thuộc tầng lớp trung lưu nữa mà ở nhóm thấp hơn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate