Động thái này được cho là nhằm che giấu mối liên hệ với Nga để tránh các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Nga liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.
Dữ liệu của Windward cho thấy, trong tháng trước, tổng cộng 18 tàu, trong đó có 11 tàu chở hàng, đã đổi từ cờ Nga sang cờ của quốc gia khác. Con số này nhiều gấp 3 lần so với bình quân hàng háng. Đây là lần đầu tiên số lượng tàu Nga đổi cờ ở mức hai con số, theo dữ liệu từ tháng 1/2020.
“Một vài trường hợp trong số này là cố tình ngụy tạo danh tính để tiến hành những hoạt động kinh doanh không được phép theo các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga”, Windward cho biết trong một báo cáo được chia sẻ với Bloomberg.
Việc đổi cờ diễn ra trong bối cảnh các tàu của Nga, từ tàu chở dầu cho tới du thuyền triệu USD của giới tỷ phú, đang tìm cách tắt hệ thống nhận diện và báo cáo vị trí – hệ thống phải luôn bật khi ở trên biển. Hành động này giúp các tàu tránh bị nhận diện và bị áp dụng trừng phạt, tuy nhiên cũng gây ra rủi ro về an toàn hàng hải.
Kể từ ngày 24/2, khi Nga tấn công quân sự Ukraine, Mỹ, Anh và các nước đồng minh đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow. Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết từ nay đến cuối năm sẽ dần dừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Cả Anh, Mỹ, cùng với Canada, cũng đã cấm tàu thuyền của Nga cập cảng tại quốc gia mình.
“Các công ty nước ngoài có động cơ khác nhau để đổi từ cờ Nga sang quốc kỳ nước khác, họ muốn tàu của mình có thể vận hành ở bất kỳ nơi nào mà không bị hạn chế và trong một số trường hợp là vì lý do đạo đức”, Gur Sender, quản lý sản phẩm của Windward, nói.
Trong số 18 tàu nói trên, 5 tàu có mối liên hệ trực tiếp với các chủ sở hữu Nga. 11 tàu thuộc sở hữu của một công ty tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và tất cả đều đổi sang quốc kỳ của Marshall Islands. Có 3 tàu đổi sang cờ của Saint Kitts & Nevis.
Theo ông Sender, việc các tàu đổi cờ không phải là điều bất thường. Việc này đôi khi xảy ra khi có sự thay đổi về chủ sở hữu hoặc khu vực hoạt động. Bình quân năm 2021, có khoảng 17 tàu của Singapore đổi cờ mỗi tháng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, bình quân có 5 tàu của Nhật đổi cờ mỗi tháng. Tuy nhiên, những con số này thường không có sự biến động lớn. Dữ liệu của Windward cho thấy từ tháng 1/2020 đến nay, số lượng tàu Nga đổi cờ chưa bao giờ vượt quá 9 tàu/tháng.
“Điều khiến việc đổi cờ đáng quan tâm là khi nó diễn ra trong bối cảnh có các hạn chế thương mại đối với một quốc gia cụ thể, đặc biệt là khi các công ty quản lý hoặc chủ sở hữu thực tế của tàu được đăng ký tại nước bị hạn chế đó”, ông Sender nói.
Trong một báo cáo về hành vi lừa đảo trong hoạt động vận tải biển vào tháng 5/2021, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng “những đối tượng xấu có thể làm giả cờ tàu của họ để che giấu hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Họ cũng có thể liên tục đăng ký cờ mới để tránh bị phát hiện”.
Theo ông Ian Ralby – CEO của hãng tư vấn an ninh và luật hàng hải I.R. Consilium hành động này có thể sẽ ngày càng trở nên phổ biến nếu như xung đột ở Ukraine tiếp diễn. Việc đổi sang cờ của những quốc gia như Marshall Islands và St. Kitts & Nevis có thể ít gây chú ý và ít bị giám sát hơn.