Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng một cách công bằng như việc huy động nguồn kinh phí, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách, khả năng tiếp cận công nghệ…
NHANH CHÓNG PHÊ DUYỆT CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP
Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, bà Đặng Hương Lan, đại diện AES Việt Nam - Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ đưa ra một số giải pháp khả thi cho doanh nghiệp.
Đó là, doanh nghiệp có thể ứng dụng năng lượng tái tạo trong chính quá trình sản xuất của mình bằng việc tự lắp đặt những mô hình năng lượng tái tạo tại cơ sở kinh doanh hoặc các dự án điện mặt trời mái nhà hay các dự án điện gió gần bờ.
Song theo bà Lan, những giải pháp, dự án này có tính chất kinh tế, tự sản xuất được điện nhưng công suất lại hạn chế và có khả năng không thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu tiêu thụ điện của doanh nghiệp.
Ngoài ra một giải pháp khác mà rất nhiều doanh nghiệp đã hướng tới và triển khai là tín chỉ năng lượng tái tạo (REC). REC cũng là một giải pháp khá phổ biến hiện nay. Việc mua bán REC và nguồn cung cũng rất phong phú, dễ dàng có thể mua.
Tuy nhiên, đại diện AES Việt Nam cho rằng nhược điểm của giải pháp này là khi doanh nghiệp mua REC do các đơn vị quốc tế quản lý và vận hành thì rất khó tính được lượng năng lượng tái tạo vào sản xuất tại Việt Nam vì tín chỉ năng lượng tái tạo này chưa được Chính phủ Việt Nam công nhận.
Bên cạnh đó, giá REC dao động theo từng năm và thời hạn giao dịch chỉ trong vòng 1 năm cho nên dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch về dòng tiền, chi phí liên quan đến năng lượng.
"Hai giải pháp này có cả ưu và nhược điểm. Do đó, chúng tôi đang hướng tới đề xuất giải pháp thứ ba. Đó chính là cơ chế mua bán điện trực tiếp. Cơ chế này cho phép bên mua điện và bán điện có những giao dịch mua bán trực tiếp với nhau”, bà Lan thông tin.
Ưu điểm của cơ chế này là cho phép các nhà sản xuất năng lượng ở những địa điểm tối ưu, có nguồn lực về tài nguyên, về điện gió mặt trời với giá cả, chi phí hợp lý nhất và bán cho những khách hàng có nhu cầu mua năng lượng thông qua lưới điện ở rất xa như đầu và cuối đất nước có thể giao dịch được bởi vì sử dụng cơ sở hạ tầng lưới điện hiện nay của EVN. Trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, giá cố định và trong thời hạn rất dài, có thể lên đến 20 năm cũng như quy mô giao dịch rất lớn.
Vì vậy đại diện AES Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần cân nhắc tới yếu tố REC trong quá trình phát triển liên quan tới giảm thải carbon đặc biệt trong ngành năng lượng và hướng tới nền kinh tế carbon thấp.
Đồng thời, cơ chế mua bán điện trực tiếp được phê duyệt càng sớm càng tốt vì đây là tiền đề cho giải bài toán đầu tư về năng lượng tái tạo cũng như giúp các công ty đáp ứng được các cam kết về sử dụng năng lượng tái tạo 100%.
CẦN SỚM CÓ HƯỚNG DẪN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH
VNEEC là đơn vị tiên phong trong việc tư vấn cho Chính phủ về xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí kính để hướng đến mục tiêu Net Zero vào 2050 và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để xây dựng các dự án giảm phát thải khí nhà kính cũng như tạo ra các tín chỉ để bán mang lại doanh thu bổ sung.
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh - Đồng sáng lập, Phó Giám đốc điều hành VNEEC chia sẻ, trong quá trình 17 năm hoạt động, VNEEC nhận thấy quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp nhất là lãnh đạo doanh nghiệp về giảm phát thải khí nhà kính.
“Nhận thức là quan trọng nhất. Khi có nhận thức thì những khó khăn khác về công nghệ, nguồn lực sẽ dần được giải quyết”, bà Hạnh nói.
Hiện nay, việc kiểm kê khí nhà kính và phát thải khí nhà kính là khái niệm còn rất mới đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần các khoá đào tạo, hướng dẫn chi tiết, các bước doanh nghiệp có thể làm gì để tuân thủ cũng như chuẩn bị trước để có lợi thế khi tham gia thị trường.
Mặt khác, vấn đề nguồn lực cho kiểm kê và phát thải khí nhà kính hay vốn cho việc đầu tư vào sản xuất xanh, phát thải thấp… cũng là những thách thức hiện nay với các doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù vậy, bà Hạnh nhấn mạnh về cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện các giải pháp xanh. Đó là nâng cao giá trị thương hiệu, là đòn bẩy để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng vị thế cạnh tranh. Thậm chí khi ứng dụng công nghệ mới, doanh nghiệp có thêm nguồn doanh thu mới từ việc sản xuất tín chỉ năng lượng tái tạo.
Song để làm được điều này, bà Hạnh cho rằng đây là khái niệm mới nên doanh nghiệp chưa có kiến thức hiểu biết về vấn đề này và chưa có nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, các bộ, ngành cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho doanh nghiệp.
Thời hạn 31/12/2025 doanh nghiệp phải báo cáo kiểm kê khí nhà kính, nhưng các thông tư hướng dẫn hiện giờ cho việc kiểm kê chưa được ban hành ngoài hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho lĩnh vực xử lý rác thải.
“Các Bộ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các thông tư hướng dẫn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cap năng lực kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải. Các hoạt động này cần được thực hiện ở quy mô lớn hơn”, bà Hạnh kiến nghị.