Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 277/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
HẠ TẦNG GIAO THÔNG LÀ ĐIỂM NGHẼN
Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của cả nước; là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia với nhiều tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Do đó, khu vực này cần được phát triển thành nguồn lực, cần thiết khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa. Trong đó, việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cấp thiết.
Thông báo nêu rõ trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc, trong đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường và đạt được kết quả bước đầu.
Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171 km. Hiện 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong năm 2025, phấn đấu đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng.
Như vậy, đến năm 2026 nếu hoàn thành đúng tiến độ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.
Theo đánh giá, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, trong đó có nguyên nhân do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu. Việc huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trong đó có nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
“Hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của vùng; song, việc triển khai các dự án giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn như: giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, điều kiện thi công phức tạp trên nền đất yếu, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân...”, Thủ tướng đánh giá.
ĐẢM BẢO 6 YÊU CẦU TRỌNG YẾU
Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt giải quyết các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ - mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đồng thời, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công nhanh nhất có thể; tuyệt đối tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan trong quá trình triển khai các dự án.
Đặc biệt nghiêm túc quán triệt 6 yêu cầu: (i) Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, kỹ - mỹ thuật, môi trường sinh thái; (ii) Không được tăng vốn bất hợp lý; (iii) Không chia nhỏ gói thầu; (iv) Chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; (v) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - doanh nghiệp; (vi) Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm (nếu có).
Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo theo thẩm quyền; chính quyền vào cuộc một cách chủ động, tích cực, thường xuyên kiểm tra, vừa xây dựng kế hoạch, vừa xây dựng chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giám sát, quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm các dự án hoàn thành đúng và vượt tiến độ; đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư để ổn định đời sống sinh kế và sản xuất của người dân tại nơi ở mới phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao về giải phóng mặt bằng, tái định cư, thẩm định các dự án thành phần...; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vượt qua mọi thách thức để triển khai dự án, kiểm soát tiến độ.
Các nhà thầu khẩn trương huy động tối đa nhân lực, phương tiện thi công, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, an toàn, kỹ - mỹ thuật; các đơn vị tư vấn nâng cao trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, độc lập, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp chất lượng giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
SỚM BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT ĐIỀU CHỈNH TỶ LỆ CHO VAY LẠI VỐN VAY ODA
Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, giai đoạn hiện nay, thông báo nêu rõ còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài do nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội.
"Đây cũng là nguồn vốn có vai trò quan trọng, cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn tư nhân để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các dự án ODA có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường", thông báo nêu rõ.
Chính phủ thống nhất sẽ sớm ban hành Nghị quyết để cho phép áp dụng tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10% đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Các địa phương trong vùng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cần thiết, hiệu quả, đúng quy định, chống tham nhũng, chống tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.
Cũng tại thông báo này, để chuẩn bị tốt, hiệu quả các dự án mới, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần nhận diện đúng tình hình, những mặt đã làm được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung một số nhiệm vụ.
Một là, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án theo quy định; xây dựng kế hoạch và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch; rà soát giao nhiệm vụ triển khai dự án cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và phối hợp với các bộ, ngành và nhà tài trợ thực hiện dự án ngay sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Hai là, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, tính liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các tuyến đường ven biển giữa các địa phương, đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính cấp phát 100% vốn vay nước ngoài cho một số dự án đầu tư xây dựng cầu kết nối giữa các địa phương có tính chất liên vùng thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan xác định danh mục các dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, triển khai thủ tục đối với các dự án, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục vận động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; rà soát, trao đổi với các đối tác phát triển nhằm đơn giản hóa, hài hòa các quy trình, thủ tục theo yêu cầu của nhà tài trợ và các quy định của pháp luật Việt Nam, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Bốn là, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các vướng mắc của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 trong quá trình đàm phán, ký kết, sửa đổi các Hiệp định vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi (nếu có); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023.
Cũng tại thông báo này, Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương điều phối nguồn vật liệu cát san lấp đắp nền đường cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải (trong đó có các dự án tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long), tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phương án và kết luận sớm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, không để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp.
Nghiên cứu phương án xây dựng cầu cạn làm đường cao tốc thay cho phương án xây dựng đường trên nền đất.
Cùng với đó, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang quyết liệt chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy triển khai vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.
Chỉ đạo đối với một số dự án cụ thể, thứ nhất, với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7/2023.
Thứ hai, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau tập trung giải quyết các vướng mắc về di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là di dời đường điện cao thế... để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 7/2023.
UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành của địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai ngay thủ tục giao trực tiếp mỏ vật liệu cho các nhà thầu.
UBND tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục giao 2 mỏ vật liệu để các nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7/2023 và ưu tiên giao các mỏ còn lại cho nhà thầu thi công dự án được khai thác, bảo đảm cung cấp đủ 5 triệu m3 cát san lấp trong năm 2023; UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án ngay, cụ thể cung cấp phần khối lượng còn lại của năm 2024, bảo đảm đủ khối lượng cát san lấp cho dự án.
Thứ ba, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, bảo đảm hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023, chậm nhất trước ngày 31/12/2023.
UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang làm việc ngay với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể đủ nguồn cát san lấp đắp nền đường cho dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3, hoàn thành thủ tục khai thác trong quý 3/2023.