Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại buổi tiếp xúc với cử tri doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động trên địa bàn TP. Cần Thơ hôm 14/5 đã nhấn mạnh như vậy, trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh về nhiệm vụ đẩy mạnh ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, và xây dựng hạ tầng chiến lược. Chính phủ đã bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông, vùng đồng bằng sông Cửu Long được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án cao tốc và dự án đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện, Chính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên. Các cơ quan đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng thời đang triển khai công tác chuẩn xây dựng đường sắt tốc độ cao. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được ưu tiên.
Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có hai tuyến cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai là dự án cao tốc TP.HCM – Cà Mau trong đó một số đoạn sẽ được khởi công vào tháng 6/2023, và tuyến cao tốc trục đông tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.
Đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ kết nối vùng Đông Nam Bộ với thủ phủ miền Tây, được quy hoạch 10 năm trước có tổng chiều dài 174 km, đi qua địa phận 6 địa phương gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ. Dự án có điểm đầu tuyến ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối tại ga Cần Thơ.
Dự án được được đề cập đến tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quy hoạch này, định hướng xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ nhằm tăng cường kết nối TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP. Cần Thơ, trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ.
Dự án được đề xuất nghiên cứu, xây dựng với vận tốc 190 km/h đối với hành khách và 120 km/h đối với tàu hàng hóa. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 9 tỷ USD (khoảng 213.948 tỷ đồng)... Khổ đường ray là khổ đôi 1.435 mm điện khí hóa.
Ngày 10/5/2023 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 4615/BGTVT-KHĐT gửi Uỷ ban nhân dân các địa phương có dự án đi qua gồm TP.HCM, TP. Cần Thơ, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang và Long An đề nghị tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Ý kiến tham gia gửi về Bộ trước ngày 15/5.
Trước đó, trong góp ý về hướng tuyến của dự án hồi giữa tháng 02/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị Ban quản lý Dự án Đường sắt nghiên cứu xây dựng đoạn đi qua TP.HCM đi trên cao (trừ một số đoạn về các ga hàng hóa, ga trạm đầu mối kỹ thuật). Việc đi trên cao, theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng việc chia cắt từ các tuyến đường bộ dưới mặt đất đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn vì hiện nay quá trình đô thị hóa tại Thành phố rất nhanh.