Đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và doanh nghiệp, là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh của đất nước.
Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đổi mới sáng tạo đã mang đến những tác động tích cực trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân...
VẪN CÒN NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Mặc dù vậy, hành trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến quá trình này chưa phát triển được như mong muốn.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng chính sách cho đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều bất cập.
“Sự không đồng bộ của chính sách giống như chúng ta làm đường cao tốc nhưng chưa xây cầu, hoặc xây cầu rồi nhưng chưa làm đường dẫn lên, dù nhìn thấy đường lên nhưng không thể nào lên được”, ông Nghiệm ví von.
Đặc biệt, có sự xung đột, thiếu đồng bộ về luật. Đơn cử như Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có quy định về các loại tài sản, trong đó có tài sản sở hữu trí tuệ, nhưng Nghị định hướng dẫn hình thành doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh lại không có nội dung này, dẫn tới trong Luật thì có nhưng khi thực hiện, mang sáng chế đi đăng ký kinh doanh để được coi là tài sản của doanh nghiệp thì lại không được. Đây là “khoảng mờ, khoảng trống” trong chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, theo ông Nghiệm, các tổ chức trung gian cũng là một điểm nghẽn của thị trường công nghệ do chưa đủ mạnh, chưa đủ chuyên nghiệp để kết nối giữa bên chuyển giao và bên có nhu cầu. Hiện Việt Nam có hơn 800 tổ chức trung gian, trong đó có 240 tổ chức được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng năng lực, đặc biệt ưu tiên cho các tổ chức gắn với ngành xuất khẩu chủ lực.
Hàng hóa khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ có tính đặc thù, cần thông qua tổ chức trung gian để đánh giá các thông số về tài chính, kỹ thuật nhằm hỗ trợ bên cung, bên cầu trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên, quá trình giao dịch gặp khó trong việc nhận biết rõ thị trường, khó đánh giá, định giá và thẩm định, phí giao dịch có thể phát sinh cao...
Bổ sung thêm, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho rằng bên cạnh điểm nghẽn chính sách chúng ta còn thiếu vắng các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trực tiếp cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo vẫn loay hoay một mình, tự mình cứu mình. Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài cần khảo sát cũng gặp khó do thiếu nguồn lực hỗ trợ. Trong khi đó, ở các quốc gia khác, những công ty con của các tập đoàn lớn nhất hàng năm vẫn nhận được sự tài trợ của chính phủ cho R&D (nghiên cứu và phát triển)”, ông Thịnh dẫn chứng.
Theo ông Thịnh, nhận thức về đổi mới sáng tạo cần được tiếp tục đẩy mạnh. Hiện nay nhiều cơ quan quản lý chưa phân biệt được giải pháp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khác gì so với giải pháp nói chung về phát triển doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần phân biệt được đâu là đổi mới sáng tạo thì mới có giải pháp hỗ trợ.
CẦN CÓ LUẬT RIÊNG?
Ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp về khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng vốn cho đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, ngân sách dành cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta chưa nhiều.
Việc tiếp cận tài chính, vốn mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế, nhất là trong giai đoạn đầu khi các doanh nghiệp làm thử các sản phẩm thì rất khó tiếp cận vốn.
Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ vẫn rời rạc, quy định về sở hữu trí tuệ và tài sản được tài trợ còn rườm rà. Nguồn lực cho hoạt động thương mại hoá chưa có nên việc đưa công trình từ nghiên cứu ra kinh doanh bị hạn chế, chưa thực sự có những cơ chế để khuyến khích thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học, điều này gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Việc chuyển từ chủ trương chính sách sang chương trình hành động cụ thể chưa tạo tác động ở quy mô lớn, nên hàm lượng sử dụng công nghệ trong doanh nghiệp còn hạn chế.
Hiện vẫn chưa có luật riêng cho đổi mới sáng tạo mà mới chỉ lồng ghép vào Luật Khoa học và công nghệ nên khi thực hiện rất khó. Nhiều ý kiến cho rằng nên có riêng luật cho đổi mới sáng tạo.
Về vấn đề này, ông Thịnh cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có luật khuyến khích đổi mới sáng tạo, vì có 2 cấp văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định và Luật (được Quốc hội thông qua).
Điểm nghẽn ở đây là Nghị định không giải quyết được mà cần có Luật, cần có quy định tầm luật thì mới có thể xử lý được những rào cản, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ, tạo tự do cho trường học hoạt động như doanh nghiệp...
Đại diện của WB, ông Đặng Quang Vinh, cũng cho rằng hiện đang tồn tại nhiều quy định cản trở sự phát triển của thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, do vậy cần có luật để xử lý điều này nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.
“Trên thế giới họ đã làm lâu rồi, không phụ thuộc vào tên luật là gì, nằm ở văn bản nào mà quan trọng họ có luật để xử lý vấn đề này, để khuyến khích đầu tư mạo hiểm, khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo ra cơ chế cho các trường đại học hoạt động như doanh nghiệp bình thường”, ông Vinh nêu quan điểm.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 - 2023 phát hành ngày 24 - 7 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam