Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
THUẬN LỢI TIẾP CẬN VỐN HỖ TRỢ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thị trường khoa học công nghệ được phát triển đồng bộ với các thị trường hàng hoá, năng lượng, lao động, giáo dục, y tế… theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đây cũng là thị trường đặc biệt với những giá trị tri thức, sáng tạo không lượng hoá, đo đếm được. Vì vậy, quá trình phát triển thị trường khoa học công nghệ cần cách tiếp cận mới, phù hợp với các đặc điểm này, trong đó, tập trung vào những khâu, vấn đề đột phá, khắc phục vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển thị trường khoa học công nghệ.
“Yêu cầu quan trọng nhất để phát triển thị trường khoa học công nghệ là tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cùng với thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá một trong những nguyên nhân của những rào cản, khó khăn trong phát triển thị trường khoa học công nghệ là do nhận thức chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoàn thiện, nhất là cơ chế định giá sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng xoay quanh việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vai trò kiến tạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường, hỗ trợ các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ; Chính sách tài chính dành cho các đơn vị khoa học công nghệ cần thay đổi từ phương thức chi thường xuyên sang đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ có cạnh tranh.
Theo Phó Thủ tướng, công tác quản lý ngân sách Nhà nước dành cho khoa học công nghệ cần đổi mới. Ngoài phần chi sự nghiệp thường xuyên cho các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực cơ bản, thì phần còn lại cần được quản lý theo mô hình quỹ đầu tư phát triển với tiêu chí lựa chọn, đánh giá, quản lý đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ theo cơ chế thị trường. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ có thể tiếp nhận nguồn tài chính đóng góp từ doanh nghiệp, lợi nhuận thu được từ các sản phẩm khoa học công nghệ đã thương mại hoá, các nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân…
Trong đó, các doanh nghiệp khoa học công nghệ cần được tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ, các tổ chức tín dụng, khi phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ; Chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phải đi kèm yêu cầu phát triển hoạt động R&D khi thực hiện dự án tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát về mặt thể chế, cơ chế hoạt động của các sàn giao dịch khoa học công nghệ bảo đảm sự kết nối với các thị trường, tạo thuận lợi cho các bên tham gia, quy định rõ ràng nguyên tắc, quy tắc, trách nhiệm pháp lý đối với chất lượng các sản phẩm khoa học công nghệ đưa lên sàn giao dịch.
CÒN TRẦM LẮNG, NHIỀU VƯỚNG MẮC
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ, trong đó có 21 sàn giao dịch khoa học công nghệ và đạt giá trị giao dịch hàng hoá tăng bình quân 20,9%/năm, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 là 12,47%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, so với yêu cầu thực tiễn, thị trường khoa học công nghệ còn trầm lắng, nhiều vướng mắc trong vận hành, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ bên ngoài. Đặc biệt, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về mặt công nghệ và khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, dù thực tế nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận nguồn cung chất lượng; Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu, thiếu vốn và nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, nên năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã chỉ ra những nguyên nhân rào cản, khó khăn trong phát triển thị trường khoa học công nghệ là do nhận thức chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoàn thiện, nhất là cơ chế định giá sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vai trò kiến tạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường, hỗ trợ các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ.