September 05, 2022 | 18:01 GMT+7

Gỡ pháp lý cho 116 dự án tại TP.HCM: Chậm do vướng nhiều sở, ngành

Ban Mai -

Trong 116 dự án bất động sản vướng mắc pháp lý thì số dự án vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất là phổ biến…

Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo về tiến trình tháo gỡ vướng mắc cho 116 dự án đang vướng pháp lý ở TP.HCM.
Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo về tiến trình tháo gỡ vướng mắc cho 116 dự án đang vướng pháp lý ở TP.HCM.

Theo báo cáo do Sở Xây dựng TP.HCM gửi UBND thành phố về tiến độ giải quyết 116 dự án vướng pháp lý trên địa bàn, cơ quan này cho biết “đã có 4/11 đơn vị báo cáo tiến độ giải quyết gồm: Sở Giao thông Vận tải, Ban quản lý khu Nam, Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố”...

Ngoài 4 cơ quan nói trên đã trả lời, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn cho 11/18 dự án bị vướng mắc. Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn cho 2/3 dự án.

Ban quản lý khu Nam có văn bản hướng dẫn cho 1/1 dự án, Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cho 1/1 dự án, Cục Thuế TP.HCM có văn bản hướng dẫn 2/3 dự án.

Còn 7 đơn vị chưa báo cáo, gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường (với 71 dự án liên quan); Sở Kế hoạch và Đầu tư (28 dự án); Sở Quy hoạch và Kiến trúc (22 dự án); UBND TP. Thủ Đức (2 dự án); UBND huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, Sở Tài chính đều liên quan 01 dự án.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc chậm giải quyết thủ tục tại 116 dự án vướng pháp lý diễn ra chậm do liên quan đến nhiều sở, ngành và quận, huyện.

Đặc biệt, vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất là phổ biến. Trong 116 dự án thì có 71 dự án vướng mắc thuộc lĩnh vực tham mưu giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện. Đồng thời, đối với những nội dung cần tổng hợp ý kiến giải quyết của các sở, ngành, các đơn vị đều gửi ý kiến chậm hơn thời gian yêu cầu của UBND thành phố.

Điều này dẫn đến việc Sở Xây dựng hoặc Sở Tư pháp khi rà soát báo cáo UBND thành phố mà không có ý kiến của các đơn vị chuyên ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo 167 (Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167 ngày 31/12/2017 của TP.HCM).

Văn phòng UBND TP.HCM khi nhận được ý kiến của các sở, ngành (sau khi Sở Xây dựng đã trình) lại tiếp tục chuyển về Sở Xây dựng để tổng hợp. Việc này làm kéo dài thời gian thực hiện kết luận của chủ tịch UBND thành phố.

Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các sở, ngành để tổng hợp, giải quyết, báo cáo UBND thành phố. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm về tiến độ đối với chủ tịch UBND thành phố.

Trước đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã có các văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản tại các công văn do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi lên, về tháo gỡ vướng mắc cho tổng số 116 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.

Trong các văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở.

HoREA cho rằng chính các điểm nghẽn về pháp lý đã khiến các dự án chậm triển khai hoặc không thể triển khai, dẫn đến làm gia tăng chi phí, đẩy giá nhà lên quá cao so với thu nhập của người dân…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate