Đã có các ý kiến đề xuất “siết ngay” hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP CHIẾM GẦN 17%/GDP
Theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, tính đến cuối năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành đạt 1,39 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân lên đến 46%/năm trong giai đoạn 2017-2020. Đáng lưu ý, năm 2021, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp có xu thế tăng mạnh trong GDP, từ mức 4,9%/GDP năm 2017 tăng vọt lên mức 16,6%/GDP năm 2021 (vượt xa mục tiêu 7%/GDP năm 2020, theo Quyết định số 1191, ngày 14/08/2017, của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, vẫn thấp hơn tỷ lệ 56%/GDP của Malaysia, 38%/GDP của Singapore, 25%/GDP của Thái Lan.
Những năm gần đây, đã có một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng chưa được đánh giá tín nhiệm theo thông lệ quốc tế, với lãi suất rất cao, không có tài sản bảo đảm, hoặc các biện pháp bảo đảm không đủ độ tin cậy dẫn đến có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Vụ việc liên quan mới nhất là Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ngay sau các vụ việc này, đã có một số ngân hàng thương mại có động thái rất “căng”, như: thông báo tạm thời dừng ngay cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư bất động sản, làm cho doanh nghiệp không vay được các khoản vay mới, không cơ cấu lại được các khoản vay cũ. Ngay cả người có nhu cầu thực cũng khó tiếp cận được vốn vay tín dụng để xây nhà, sửa nhà, mua nhà…
Đồng thời, cũng đã có các ý kiến đề xuất “siết ngay” hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH
Theo HoREA, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững thì trước hết phải tháo gỡ “vướng mắc, bất cập” về thể chế pháp luật nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, đồng thời phải lành mạnh hóa thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong thị trường bất động sản, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu thì các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay tín dụng, vốn liên doanh liên kết, vốn huy động từ khách hàng, vốn từ thị trường chứng khoán, trong đó, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn rất quan trọng.
Bởi lẽ, từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó, có lĩnh vực bất động sản.
Dự kiến, đến giữa năm 2023, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% tổng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, nên các doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng. Đây là nguồn “vốn mồi”, là “bà đỡ” rất quan trọng để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn chưa đủ điều kiện được huy động vốn từ khách hàng.
Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn từ thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung và thay thế một phần nguồn vốn vay tín dụng bị thiếu hụt.
Ngoài ra, hiện đang có tâm trạng bất an, lo lắng trong một số lãnh đạo doanh nghiệp, bởi lẽ với một “rừng” thủ tục hành chính và nhiều quy định pháp luật chồng chéo, rối rắm nên rất sợ vướng rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đơn cử như quy định pháp luật yêu cầu phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích, bao gồm: vốn vay tín dụng ngân hàng, vốn huy động từ khách hàng, vốn huy động từ thị trường chứng khoán hoặc từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nếu các cơ quan chức năng khi kiểm tra, thanh tra, điều tra yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động theo “từng túi” của từng dự án. Điều này không sát với thực tế, vì doanh nghiệp huy động vốn cho toàn bộ dự án, và dự án được triển khai theo tiến độ nên nguồn vốn được chi cũng theo tiến độ, nếu để “đọng vốn” sẽ gây lãng phí.
Điều 34 Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty: Chịu hoàn toàn trách nhiệm về giám sát sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu.
Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp có thực hiện dự án đúng tiến độ và bàn giao nhà, trả lãi, trả nợ vay đúng cam kết với khách hàng và nhà đầu tư hay không.
Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đặt ra yêu cầu rất cần thiết phải chấn chỉnh để phát triển lành mạnh và bảo vệ nhà đầu tư, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản có thêm kênh huy động nguồn vốn xã hội hoá.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 163 (năm 2018) và Nghị định 81 (năm 2020) của Chính phủ, để chấn chỉnh và đảm bảo hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhà đầu tư và khách hàng. Đề nghị áp dụng kể từ ngày 01/01/2023.
Đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu; về các tiêu chí đánh giá đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu đảm bảo thực sự có năng lực; về bảo lãnh phát hành trái phiếu; về quy định cụ thể việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP
Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp thời gian tới.
Một số chính sách đang đề xuất: Thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.
Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.
Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp…