Thực tế, Google vốn dĩ đã bị cơ quan này điều tra từ năm 2022. Cho đến gần đây, Google mới chính thức bị cáo buộc ép buộc các nhà phát triển ứng dụng tại Indonesia phải sử dụng Google Play Billing với mức phí cao hơn các hệ thống thanh toán khác, nếu không tuân thủ các ứng dụng bị gỡ khỏi Google Play Store.
Trong một phiên điều trần, hội đồng điều tra kết luận chính sách của Google gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của các nhà phát triển ứng dụng.
Bằng cách ép buộc sử dụng Google Pay Billing với mức phí lên đến 30%, Google đã làm giảm đáng kể số lượng người dùng của các ứng dụng này. Đồng thời, hội đồng cũng kết luận Google đã vi phạm luật chống độc quyền của Indonesia.
Với 93% thị phần tại Indonesia – quốc gia có 280 triệu dân và nền kinh tế số phát triển nhanh chóng, Google được cho là đang nắm giữ vị thế độc quyền.
Phát ngôn viên của Google tuyên bố công ty sẽ kháng cáo quyết định này. “Các hoạt động của chúng tôi hiện nay nhằm xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng cạnh tranh và lành mạnh tại Indonesia”, phát ngôn viên của Google nói, đồng thời khẳng định Google cam kết tuân thủ luật pháp nước này.
Trước đó, Google từng thông báo đã triển khai một hệ thống cho phép nhà phát triển cung cấp phương thức thanh toán thay thế cho người dùng. Trong thập kỷ qua, Google đã không ít lần bị các quốc gia cáo buộc về vấn đề độc quyền hoạt động. Trong đó, tháng 9/2024, Liên minh châu Âu đã phạt Google hơn 8 tỷ euro vì các vi phạm cạnh tranh liên quan đến dịch vụ so sánh giá, hệ điều hành Android và dịch vụ quảng cáo.