So với bức tranh tổng thể của ngành bán dẫn toàn cầu, lĩnh vực sản xuất bán dẫn ở Việt Nam gần như chưa có gì đáng kể. Đây vẫn là “mảnh đất” sơ khai đang chờ được khai phá. Điều này được thể hiện khá rõ qua các số liệu về quy mô các hoạt động trong ngành bán dẫn Việt Nam và toàn cầu, được ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, chia sẻ tại hội nghị “Kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024” diễn ra mới đây.
ĐIỂM ĐẾN TRIỂN VỌNG CỦA NGÀNH BÁN DẪN
Cụ thể, trong công đoạn cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất và các hoạt động khác trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, tính đến hết năm 2022, là chưa có hoặc không đáng kể, trong khi toàn thế giới đạt doanh thu là 235 tỷ USD (tỷ trọng của Việt Nam so với thế giới là 0%).
Với công đoạn thiết kế, Việt Nam đạt 269 triệu USD (chiếm 0,53%) và kỹ sư là 5.600 người (chiếm 2,9%), tương ứng thế giới là 51 tỷ USD và 187.000 kỹ sư.
Đối với công đoạn chế tạo bán dẫn (wafer) thì Việt Nam chưa có (0%), còn thế giới đạt 130 tỷ USD doanh thu. Công đoạn còn lại là lắp ráp, đóng gói, kiểm thử (APT), Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 2,8%) và có 2.000 kỹ sư (0,67%), tương ứng thế giới đạt 53 tỷ USD doanh thu thuần và 300.000 kỹ sư.
Mặc dù vậy, theo ông Hùng, với việc ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Việt Nam đang là điểm đến có ưu thế về địa vật lý cho ngành công nghiệp bán dẫn. Thêm nữa, sản lượng đất hiếm cũng là một thế mạnh khi Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng đất hiếm – một trong những nguyên liệu cơ bản cho ngành điện tử nói chung và chip bán dẫn nói riêng. Đây chính là lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có sự hiện diện của hơn 40 doanh nghiệp thiết kế chip, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Ampere, Marvell, Qorvo, Synopsys, Renesas,… bên cạnh đó là các công ty đóng gói, kiểm thử lớn gồm Amkor, Intel.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng công ty đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn tại Việt Nam nhiều hơn con số trên, bởi theo ông Hoài, nhiều công ty không muốn công bố thông tin nên ông cũng không thể tiết lộ tên doanh nghiệp. Ngoài ra còn có các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn như Hana Micron… cũng đã hiện diện ở Việt Nam.
Trong nước, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang chuẩn bị và tiến dần vào thị trường bán dẫn. Trong đó khối tư nhân có FPT, Phenikaa, CMC…, khối doanh nghiệp Nhà nước có Viettel, VNPT…
Ngoài tiềm năng trên, theo ông Hoài, Việt Nam đang có ba điểm mạnh để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ nhất, sự tham gia quyết liệt của Chính phủ vào khối hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông, logistics, hạ tầng công nghệ, hạ tầng số; bên cạnh đó, hệ thống điện nước cũng dần hoàn thiện (như đang hoàn thiện tuyến truyền tải điện từ miền Nam ra Bắc). Đây chính là sự khẳng định với các nhà đầu tư rằng Việt Nam đang sẵn sàng đảm bảo về điện - một trong các yếu tố quan trọng vì đóng gói kiểm thử hay sản xuất thì yêu cầu đầu tiên là điện.
Thứ hai, cơ chế chính sách ưu đãi. Trong Luật Đầu tư có rất nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong thời gian qua Quốc hội đã thông qua nghị quyết đặc thù của TP.HCM (Nghị quyết 98/2023/QH15), nghị quyết đặc thù cho Đà Nẵng, còn Hà Nội thì có Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế vượt trội mà trước đây chưa có.
Thứ ba, nguồn lao động. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đánh giá đây là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Nguồn nhân lực phải là chất lượng cao, chất lượng quốc tế, vì thế Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư về ngành công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ có 15.000 kỹ sư về thiết kế chip.
LẦN ĐỨT GÃY THỨ HAI CỦA CHUỖI BÁN DẪN
Nói về vì sao Việt Nam được gọi tên trong lần đứt gãy thứ hai của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bán dẫn FPT, phân tích: “Thế giới đã có hai lần đứt gãy chuỗi cung ứng bán dẫn. Lần đầu tiên là Nhật Bản bị Mỹ cấm vận (khoảng những năm 1980 – PV), khi Nhật Bản có sự trỗi dậy và cạnh tranh với Mỹ và khi đó đã “đẻ” ra ngành chip của Đài Loan (TQ); lần thứ hai đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tương tự.
Chuỗi bán dẫn - chuỗi định hình công nghệ cao - trên thực tế chỉ một vài nước đếm trên đầu ngón tay được tham gia. Bởi vậy, theo ông Hòa, lần đứt gãy thứ hai này sẽ mang lại cơ hội cho một nước hay vùng lãnh thổ tương tự như Đài Loan nhảy vào chuỗi cung ứng bán dẫn, và Việt Nam là một trong những điểm sáng được gọi tên, nhất là khi Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách 7 quốc gia có thể nhận được hỗ trợ của Mỹ theo Chips Act để cải thiện sản xuất cũng như đào tạo nhân lực.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần bán dẫn FPT, ngoài chuỗi cung ứng, còn bốn yếu tố khác giúp Việt Nam có thể vượt lên trong “khúc cua” công nghệ và tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu.
Một là, tiến bộ về công nghệ. Mọi người hay nói định luật Moore khi công nghệ ngày càng rút ngắn lại 7 nano, 3 nano, 2 nano. Nhưng có sự đột biến ở trong công nghệ 2 nano khi công nghệ chuyển từ 2D sang 3D, mọi thứ về chuỗi cung ứng (supply chain) đều thay đổi và khi đó có nhiều công ty, thành viên mới có thể tham gia.
Hai là, rất nhiều quốc gia đang quay lại tham gia. Điển hình là Nhật Bản trước kia đã thua Mỹ trong lĩnh vực chip bán dẫn do bị Mỹ cấm vận sau những năm 80, thì hiện nay đang quay lại. Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ USD cho một nhà máy lớn...
"Gần đây Indonesia và Malaysia đang cố gắng kêu gọi TSMC rất nhiều. Nếu Việt Nam kêu gọi không đủ mạnh thì TSMC sẽ sang Indonesia, Malaysia, lúc đó công lao đào tạo nguồn nhân lực thiết kế chip có khi lại đi “giúp” các nước bạn vì nhân lực sẽ chuyển đến nơi có nhu cầu".
Hãng sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (TQ) hiện đang chiếm tới gần 65% sản lượng chip toàn cầu; còn với những chip tiên tiến thì chiếm tới 95% sản lượng toàn cầu. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, điều này tạo ra cán cân vô cùng bất cân đối trong nền công nghiệp, bởi công thức chung của mọi sản phẩm công nghiệp và dịch vụ thì hãng nào chiếm 1/3 sản lượng đã có thể làm chủ thị trường, làm chủ cuộc chơi...
HÀ NỘI CÓ THỂ THÀNH HUB VỀ BÁN DẪN
Lĩnh vực chip bán dẫn của Việt Nam dù vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng đã đang phân bổ, tập trung khá đồng đều ở ba vùng miền, cụ thể tại miền Bắc là Hà Nội, miền Trung là Đà Nẵng và miền Nam là TP.HCM. Mỗi điểm tập trung lại có những vị trí và lợi thế khác nhau.
Đối với Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết Hà Nội đang chuẩn bị về mặt thể chế, chính sách vượt trội, chuẩn bị nguồn lực để tạo ổ đón những đại bàng sản xuất lớn về công nghệ chip, công nghệ bán dẫn vào Hà Nội cũng như vào Việt Nam. Cụ thể, định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn với Hà Nội, tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. Công nghiệp Thủ đô trở thành trung tâm hàng đầu, có vai trò dẫn dắt hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp trong vùng về các ngành: công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam