March 24, 2023 | 16:00 GMT+7

Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 44.500 lao động trong quý 1

Dương Thuỳ -

Kết quả giải quyết việc làm quý 1/2023 trên địa bàn TP. Hà Nội tương đương cùng kỳ năm 2022…

Người lao động được tư vấn, kết nối việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động được tư vấn, kết nối việc làm. Ảnh - N.Dương.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong quý 1/2023, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 44.573/162.000 lao động, đạt 27,5% kế hoạch giao trong năm.

10.257 LAO ĐỘNG ĐƯỢC TẠO VIỆC LÀM TRONG QUÝ 1  

Trong tổng số hơn 44.500 lao động, thành phố đã tạo việc làm cho 10.257 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, ước cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP.Hà Nội với số tiền là 499,6 tỷ đồng.

Trong quý 1, đã đưa 728 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; giải quyết việc làm cho 3.443 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố là 30.142 lao động.

Riêng trong tháng 3, số lao động được giải quyết việc làm là hơn 15.700 lao động, kết quả giải quyết việc làm quý 1/2023 tương đương cùng kỳ năm 2022.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian) với 1.557 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 28.336 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 10.946 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 3.443 lao động.

Cùng với đó, thành phố đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 14.300 trường hợp với số tiền 427 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 12.603 người; hỗ trợ học nghề cho 232 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 1,03 tỷ đồng.

Đồng thời, đã thẩm duyệt, chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam cho 1.415 lượt doanh nghiệp với 2.202 vị trí; cấp mới 1.489 giấy phép; cấp lại 193 giấy phép; gia hạn 88 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thông báo miễn cấp 83 trường hợp người nước ngoài không phải cấp giấy phép lao động.

Thành phố cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người lao động nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

GẮN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP ĐỒNG BỘ VỚI VIỆC LÀM

Để ổn định thị trường lao động trên địa bàn, TP. Hà Nội sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Hà Nội.

Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. 
Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. 

Các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung – cầu cũng sẽ được triển khai song song; đồng thời, thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.

Thành phố cũng sẽ thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đóng vai trò là đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn, cùng như hỗ trợ tích cực trong công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, để hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp thuận tiện hơn cho người lao động trên địa bàn, thành phố sẽ ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó góp phần giảm thời gian giải quyết và nâng cao được tính chính xác về giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời kết nối hỗ trợ giới thiệu được việc làm cho người lao động.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có vai trò là “phao cứu sinh” của người lao động khi họ gặp khó khăn, mất việc mà còn là công cụ quản trị thị trường lao động. Vì vậy, việc xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn liền, đồng bộ với giải pháp bảo đảm việc làm bền vững đang là yêu cầu bức thiết.

Trong năm 2023, TP. Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate