Chiều 18/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề thiết thực với người lao động như nhà ở, việc làm, đào tạo nguồn nhân lực…được các công nhân quan tâm và mong muốn lãnh đạo thành phố giải đáp.
CÔNG NHÂN SẼ ĐƯỢC TIẾP CẬN NHÀ Ở KHÔNG DỰA TRÊN KHOẢNG CÁCH ĐỊA LÍ
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam Nguyễn Văn Đức đại diện các công nhân gửi câu hỏi về chính sách nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động.
Giải đáp những băn khoăn của các công nhân, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, thành phố đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
Đồng thời, thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. “Trong thời gian tới, thành phố sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.
“Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng. Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi”, ông Thanh nói và cho hay thành phố đang rất quyết liệt, nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể.
SẼ CÓ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ VỀ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của thành phố, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm TP.Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.
“Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cũng cho biết, thành phố sẽ có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất quyền lợi của người lao động, nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.
Trao đổi thêm về giải pháp để thu hút lực lượng công nhân lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các địa phương khác, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng trước hết là cần thu hút doanh nghiệp, nhiều dự án lớn đầu tư nước ngoài vào Thủ đô để tạo ra việc làm.
Theo bà Hương, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều khảo sát và ghi nhận có hàng trăm nghìn lao động có nhu cầu tìm việc làm.
Riêng về lợi thế cạnh tranh của nguồn lao động, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng, bà Hương cho biết, thành phố đã có nhiều giải pháp, ban hành văn bản về vấn đề này và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động ổn định, bền vững, đảm bảo an ninh xã hội…
Trong đó nhấn mạnh cần có sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Nhờ vậy, những tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội đã có trên 1.150 doanh nghiệp đăng ký gắn kết với trên 300 cơ sở đào tạo nghề để hỗ trợ sinh viên, khi lao động được đào tạo nghề thì doanh nghiệp tuyển dụng ngay. Hằng năm, có trên 135.000 sinh viên sau khi được đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng.